CSVN – Cả chục năm rồi, già làng Thổ Nơi và thầy Điểu Toa cất công đi tìm “cái chữ” cho bà con Chơ Ro. Và trời đã không phụ lòng người…
>>Mời nghe đọc bài:
Hai người cùng ngụ tại xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, nơi có gần 500 hộ người dân tộc Chơ Ro với trên 1.000 dân sinh sống. Anh Thổ Nơi sinh năm 1954, nguyên là một công nhân cao su Nông trường Bình Lộc, đã nghỉ hưu năm 2014. Do từng là thợ giỏi nhiều năm liền, lại đàng hoàng, chững chạc nên sau khi nghỉ hưu, anh được bà con ở xóm Châu Ro tin tưởng, bầu làm già làng. Còn anh Điểu Toa sinh năm 1973, sống bằng nghề làm văn nghệ, là trưởng đoàn, thường đưa một đội văn nghệ người Chơ Ro đi lưu diễn nhiều nơi.
Nhảy cẫng lên khi tìm được sách quý
Những lúc rảnh rỗi, hai người thường gặp nhau, lúc thì ở nhà, lúc thì ở quán cà phê. Và câu chuyện giữa hai người chủ yếu vẫn là làm sao tìm được cái chữ cho bà con, khi mà từ hàng ngàn năm qua, người dân tộc Chơ Ro chỉ có ngôn ngữ giao tiếp chứ không có chữ viết. Vì vậy việc có cái chữ để học, để ghi lại thành quả của dân tộc mình, để làm sách đọc, để thư từ liên lạc… là không thể thực hiện. Nên những khi rảnh rỗi thì mỗi người mỗi hướng, lặn lội tìm vào những vùng sâu có nhiều cư dân Chơ Ro sinh sống để dò tìm manh mối, mong tìm ra những dấu vết, mà hai người nghe phong thanh là đã từng có sách dạy chữ cho bà con…
Sau gần chục năm tìm kiếm, lắm lúc tưởng chừng như vô vọng, cho đến một ngày đầu năm 2015, Điểu Toa trong một lần đưa đội văn nghệ vào diễn ở xã Phú Túc, huyện Định Quán, Đồng Nai, đã được gặp một mục sư Tin Lành người Chơ Ro tên là Điểu Lân, ngoài 70 tuổi. Sau ít phút tâm sự, trước nỗi niềm và khát vọng của Điểu Toa, mục sư Điểu Lân đã lấy tặng anh một cuốn sách.
Điểu Toa đã không kềm được cảm xúc, mừng rỡ hét toáng lên khi thấy bìa sách có tựa CHRAU JRO, lật vào trong sách, ngay trang đầu tiên thì thấy ghi “Em học vần tiếng Chrau Jro – Quyển 1, lớp vỡ lòng”. Có được “báu vật” rồi, Điểu Toa sau khi đưa đội văn nghệ trở về Xuân Thiện đã chạy ngay đến nhà Thổ Nơi. Hai người cùng nhảy cẫng lên rồi ôm lấy nhau, lặng đi trong nỗi mừng vui khôn tả!
Trong một cuộc gặp với hai người gần đây, tôi đã được xem qua cuốn sách. Sách in roneo, bìa màu xanh in hình hai chiếc chiêng với tựa là CHRAU JRO. Nơi trang đầu của sách ghi “Em học vần tiếng Chrau Jro – Quyển 1, lớp vỡ lòng”, và tiếp theo là “Trung tâm học liệu Bộ Giáo dục xuất bản – Sài Gòn 1972/ Ấn hành trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa: Bộ Giáo dục, Bộ phát triển sắc tộc, Viện chuyên khảo ngữ học, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam – tháng 10 năm 1972, ấn hành 4.000 cuốn”.
Sách dày 64 trang, khổ 15 x 21 với chữ viết phiên theo phát âm của người Chơ Ro, được ghi lại theo mẫu tự La tinh và có hình ảnh minh họa kèm theo. Tôi xin ghi lại một vài trang để bạn đọc dễ hình dung như: ca (con cá, (kèm minh họa hình con cá), dôq (con khỉ, (kèm minh họa hình con khỉ), so (con chó, (kèm minh họa hình con chó). Ndĩq (tên riêng của một thiếu niên) (Trang 16). Ndĩq sĩq sa (Ndĩq về ăn), so Ndĩq de sĩq (chó của Ndĩq về), so sa (chó ăn) (Trang 13).
Qua những lời giới thiệu in nơi trang đầu của sách thì ta đã có thể hình dung, chế độ cũ cũng đã từng có kế hoạch giúp cho bà con Chơ Ro có cái chữ, nhưng cuộc chiến tranh vào giai đoạn khốc liệt từ năm 1972 rồi sau đó là giải phóng miền Nam 1975 đã không cho họ cơ hội. Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh với bao lo toan bộn bề cũng làm cho chúng ta không còn nhớ tới.
Điểu Toa kể: “Sau khi có sách rồi, tôi liên tiếp trở lại gặp mục sư Điểu Lân và một số người từng được học qua sách này như các ông Thổ Đô ở Xuân Thiện, Điểu Sao ở Phú Túc để được chỉ dạy. Các ông bảo, sau cuốn 1 còn có tới cuốn 4, cuốn 5 nhưng thất lạc hết cả, thật đáng tiếc!”
Điểu Toa chỉ được học dến lớp 6 nhưng rất thông minh. Anh bỏ nhiều thời gian nghiên cứu sách và dần nắm được cấu trúc và nguyên lý vận hành của chữ Chơ Ro, do các cơ quan chức năng của chế độ cũ soạn rồi “phăng” dần ra. Anh tự tin cho biết: “Sau hơn một năm nghiên cứu, tôi đang tiến dần tới bước soạn cho hoàn chỉnh, đến nay thì cũng đã soạn được 40% rồi”. Anh cho biết hiện đã làm thành từng giáo án từ thấp đến cao, và đủ sức làm giáo viên để phổ biến đến đồng bào.
Mong bà con sớm có được “cái chữ”
Khi vừa tìm được sách, già làng Thổ Nơi đã báo cáo với UBND xã Xuân Thiện, và đề nghị được mở lớp dạy tiếng Chơ Ro cho đồng bào trong xã do Điểu Toa làm giáo viên. Ông Thái Bình Chung, Phó Chủ tịch UBND xã mừng rỡ, nói: “Được vậy là quá tốt rồi! Khi xưa ông bà để sách thất lạc hết, nay già làng Thổ Nơi và thầy Điểu Toa có ý thức sưu tầm lại như vậy là rất đáng quí!”.
[stextbox id=”stb_style_259398″]“Đi tìm cái chữ cho bà con” – một công trình khá độc đáo và mang tính nhân văn sâu sắc. Chúng tôi nêu lên với ước mong có thêm được nhiều sự ủng hộ, góp sức của cộng đồng. Quí vị nào có tài liệu liên quan hãy gởi về hỗ trợ cho già làng Thổ Nơi và thầy Điểu Toa. Cũng rất cần có được sự bổ trợ của các chuyên gia ngôn ngữ. Thêm nữa, khi lớp học được vận hành, sẽ phát sinh vấn đề kinh phí như giấy bút, tiền photo sách, lương cho giáo viên… không biết ai sẽ nhận lo đây? Bởi bà con Chơ Ro vốn còn nghèo, chắc chắn không đủ tiền để đóng học phí.[/stextbox]Già làng Thổ Nơi có nêu vấn đề thiếu thốn cơ sở vật chất để mở lớp thì ông Chung nói: “Cứ ra trung tâm văn hóa xã với đầy đủ phòng ốc, bàn ghế mà mở lớp học”. Nghe vị đại diện xã nói vậy, Thổ Nơi và Điểu Toa cũng mừng. Nhưng cả hai có chung suy nghĩ: “Có lẽ mới đầu thì nên mở lớp tại nhà trước. Chọn những em thiếu niên, những người đã trưởng thành có tâm, có chí đến học. Sau đó, khi có kết quả tốt rồi thì mới nhân rộng ra”.
Ông Lê Xuân Hậu, Trưởng phòng Di sản Văn hóa Bảo tàng Đồng Nai cho biết: “Dân tộc Chơ Ro hiện có trên 7.000 người, phần lớn sống tập trung ở phía Tây nam và Đông nam tỉnh Đồng Nai, thường nam mang họ Thổ, họ Điểu, còn nữ mang họ Thị. Bà con chủ yếu sống bằng nghề làm nương rẫy, cũng có khá đông người là công nhân các nông trường thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Trong hàng ngàn năm tồn tại, bà con Chơ Ro chỉ có ngôn ngữ để giao tiếp chứ không có chữ viết để ghi lại tiếng mẹ đẻ của mình”.
Thạc sĩ Hà Công Chính, Chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học Sở Giáo dục – Đào tạo Đồng Nai cho biết, các em thanh, thiếu niên con em người dân tộc có chế độ học bổng nuôi ăn ở và các sinh hoạt phí đầy đủ, khi theo học ở các Trường Phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh. Em nào chưa đủ điều kiện vào Trường thì học chung với con em người Kinh ở địa phương. Vì chưa có chữ viết nên tất cả đều học theo chương trình hiện tại của Bộ Giáo dục – Đào tạo, các em được hưởng điểm ưu tiên dành cho người dân tộc khi thi lên Cao đẳng hoặc Đai học.
Về trường hợp vừa tìm ra “cái chữ” cho bà con Chơ Ro của già làng Thổ Nơi và thầy Điểu Toa, Thạc sĩ Chính nói: “Trước mắt, có thể thử nghiệm làm tại nhà như ý định của già làng Thổ Nơi và thầy Điểu Toa. Đây là một công trình rất đáng trân trọng và khích lệ, tuy nhiên, phải báo cáo lên xã, huyện và tỉnh. Công trình phải qua một Hội đồng thẩm định có chuyên môn của tỉnh thì mới có thể phổ biến rộng rãi”.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai cũng là một người Chơ Ro tỏ ra rất vui mừng, hạnh phúc trước sự việc này. Ông nói: “Già làng Thổ Nơi và thầy Điểu Toa giỏi lắm! Nếu phát minh được cái chữ cho bà con thì thật là một kỳ công, rất đáng trân trọng và tự hào. Mong công trình của hai anh sớm trở thành hiện thực để bà con có được cái chữ, là cái rất cần thiết trong cuộc sống cộng đồng. Chúng tôi hoan nghênh và sẵn sàng hỗ trợ các anh.”.
Thầy Điểu Toa tâm sự: “Tôi có dịp đi đến nhiều nơi và tiếp xúc với bà con nhiều dân tộc như Ê Đê, Ja Rai, Mơ Nông, Ba Na… và thật rất mừng cho họ khi đều có chữ viết song hành cùng tiếng nói. Tôi rất muốn đồng bào mình cũng được như vậy. Mình còn sức thì ráng làm, vì nếu không có chữ viết để ghi lại thì rồi tiếng mẹ đẻ sẽ mai một với thời gian”.
Nguyễn Quang Minh
Related posts:
- Chủ trương mới về nhân công đồn điền
- Gởi gắm niềm tin, mơ ước vào các con
- Khai mạc Hội diễn Khu vực III
- Chiếu Tà Niên: Ngày ấy … bây giờ…
- Sôi động phim Việt mùa hè
- Độc đáo cồng chiêng nữ
- Cao su Phú Riềng tuyên dương 198 học sinh, sinh viên xuất sắc
- Những bức ảnh còn mãi theo thời gian
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Thợ cạo và lương duyên