CSVN – Đó là chỉ đạo của TGĐ Trần Ngọc Thuận tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phát triển cao su VRG tại các tỉnh miền núi phía Bắc, diễn ra vào ngày 31/8.
>> Tổ chức lễ mở cạo cao su miền núi phía Bắc vào ngày 17/10
Theo báo cáo, tính đến ngày 31/6/2016, 9 công ty tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã trồng, chăm sóc 28.622 ha cao su (Tây Bắc 23.149 ha chiếm 80%, Đông Bắc 5.472 ha, 19,1%). Tuy nhiên do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình đồi núi dốc… đã ảnh hưởng đến chất lượng sinh trưởng và phát triển của vườn cây. Vườn cây A, B đạt 45,1%, loại C 35,6%, loại D 19,3%.
Năm 2016, có 2 công ty đã thực hiện công tác mở cạo mới là Công ty CPCS Sơn La (150 ha), Công ty CPCS Lai Châu (71 ha). Vườn cây đã cho sản lượng, chất lượng mủ đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, bước đầu tạo động lực và niềm tin cho người lao động.
Về tình hình ký kết hợp đồng góp quyền sử dụng đất để trồng cao su của người dân với công ty, các đơn vị đang quản lý 32.816 ha. Trong đó hộ dân góp 27.704 ha (84,5%), diện tích đất thuê 5.112 ha (15,5%). Diện tích đã ký hợp đồng 6.271 ha (22,64 % diện tích đất góp), chưa ký hợp đồng 20.708 ha (77,36%). Trên phương án phân chia sản phẩm và hợp đồng mẫu thống nhất giữa VRG và tỉnh Sơn La, VRG tiếp tục phối hợp, làm việc với UBND tỉnh Điện Biên thống nhất phương án phân chia sản phẩm.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp xúc trực tiếp với các hộ dân góp đất kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc, làm rõ phương án phân chia sản phẩm cũng như quyền lợi, trách nhiệm của người góp đất, đặc biệt đối với các công ty bắt đầu chuẩn bị đưa vào khai thác.
Về công tác nông nghiệp, trên cơ sở kiểm tra bước 1 về đánh giá thực trạng diện tích, chất lượng vườn cây, VRG yêu cầu các công ty thực hiện rà soát bước 2 về phân loại chất lượng vườn cây chăm sóc, định hình diện tích có khả năng khai thác, kinh doanh ngay trong năm 2016 để ổn định phát triển trong thời gian tới. Cùng với đó, đề xuất phương án xử lý đối với diện tích vườn cây không có khả năng phục hồi, khó đưa vào khai thác (có thể dừng chăm sóc), chuyển trả về cho hộ dân, địa phương quản lý.
VRG cũng yêu cầu rà soát, kiểm tra đánh giá công tác bón phân, chăm sóc vườn cây KTCB 2 lần/năm, nếu chất lượng vẫn thấp đề xuất chỉ bón 1 lần/năm. Sớm điều chỉnh quy trình chăm sóc vườn cây phù hợp với chủ trương tiết giảm suất đầu tư nông nghiệp.
Về công tác quản lý suất đầu tư, ưu tiên tập trung đầu tư vào công tác quản lý và chăm sóc vườn cây có hiệu quả và tiếp tục rà soát thực hiện suất đầu tư.
Về công tác quản lý cán bộ, lao động, định biên, mô hình tổ chức, VRG yêu cầu các công ty tăng cường công tác quản lý tổ chức, cán bộ cấp lãnh đạo công ty. Rà soát lại mô hình tổ chức, bộ máy từ cấp công ty đến nông trường, các tổ đội sản xuất… từ đó định biên, sắp xếp lại cán bộ, lao động trực tiếp một cách hợp lý.
VRG chỉ đạo Ban KHĐT VRG yêu cầu các công ty tự rà soát, sắp xếp các thủ tục hồ sơ pháp lý và các dự án đầu tư theo trình tự thủ tục và thời gian đầu tư qua các năm. Chú trọng làm rõ các nguồn vốn đã đầu tư, chi phí hạch toán, quyết toán các nguồn vốn.
Minh Tâm
Related posts:
- Thêm công cụ bảo vệ quyền lợi người lao động
- Nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao, bền vững
- Cao su Đồng Nai thưởng 3 tháng lương cho người vượt sản lượng cao nhất
- Đảng bộ VRG học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII
- Đảm bảo hiệu quả bền vững
- VRG quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
- Diện mạo mới ở Ia H’Drai
- VRG sẽ tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 90 năm truyền thống Ngành Cao su
- Cao su Sa Thầy: Tổ chức 4 lớp tập huấn an toàn vệ sinh lao động
- Doanh thu Cơ khí Cao su đạt 79,4 tỷ đồng đến 30/6