CSVN – Phim Lựa chọn cuối cùng của đạo diễn NSƯT Vũ Hồng Sơn (38 tập, đang phát sóng lúc 20g40 thứ năm, thứ sáu hằng tuần trên VTV1) thuộc thể loại chính luận, nóng hổi tính thời sự, đề cập trực diện, không lảng tránh những vấn đề gai góc, nhạy cảm về lợi ích nhóm quan chức – doanh nghiệp, về tham nhũng, đời sống quan chức cùng nhiều vấn đề nhạy cảm khác…
Cuộc đấu của những âm mưu
Từ thực tế những hiện trạng nhức nhối như kể trên, bước vào phim không kém phần dữ dội. Dự án thủy điện Sa Khê của tỉnh Nam Giang là miếng mồi béo bở mà hai tập đoàn kinh tế lớn là Đức Hòa và Trường Thành nhắm đến. Để chiếm được dự án này, họ đã dùng hàng loạt chiêu trò bẩn thỉu: theo dõi, gài bẫy, giết người bịt đầu mối…
Nhân vật chính là ông Khắc Chính (NSƯT Mạnh Cường) – Chủ tịch tỉnh Nam Giang – đang có cơ hội thăng tiến làm Bí thư Tỉnh ủy, là người giàu hoài bão, quyết đoán, muốn đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà. Nhưng Khắc Đức (DV Chí Nhân) – con trai ông – sau khi du học về, làm ở Sở Công Thương, giữ vai trò quan trọng để xét duyệt các dự án đầu tư của tỉnh Nam Giang, lại bị doanh nghiệp giăng bẫy để khống chế chủ tịch, buộc ông phải nhanh chóng đưa thủy điện Sa Khê vào khởi công…
Đứng giữa những lằn ranh sáng – tối, liệu ông chủ tịch tỉnh, có giống như lời nhận xét của một quan chức cấp huyện: “Ông Chính dù thế nào cũng không giữ được trong sạch 100%. Có quyền là có tiền. Có tiền là có quyền”? Mối quan hệ đầy nhạy cảm và phức tạp giữa doanh nghiệp và cán bộ hiện nay cũng được lột tả chân thực.
Căng thẳng theo dõi cuộc đấu trí giữa chủ tịch tỉnh với các thế lực “thù trong giặc ngoài” nhưng Lựa chọn cuối cùng thật ra lại là cuộc “đấu” của những âm mưu ở cấp cao hơn. Những cái bẫy được giăng, những chiêu trò theo sự sắp đặt của một nhân vật bí ẩn…
Cũng may là còn có những sự thật không thể bưng bít. Bất chấp khó khăn lẫn những đe dọa, 2 phóng viên của báo Tinh Hoa Nam (do DV Thanh Sơn và DV Minh Hà đóng) quyết đi tìm đáp án và lầm sáng tỏ một thực tế: việc khai thác thủy điện chỉ để che mắt cho một lợi ích khác béo bở hơn: phá rừng lấy gỗ. Tất nhiên, hành trình đi tìm sự thật sẽ còn lắm gian truân, có rất nhiều kẻ xấu nhưng cũng có không ít người hết lòng vì lẽ phải…
Tâm sự rút ruột của người làm báo
Điểm thú vị là biên kịch cho Lựa chọn cuối cùng là 2 nhà báo đang công tác tại Báo Tuổi Trẻ: Chu Hồng Vân và Nguyễn Tuấn Thành. Nếu Chu Hồng Vân đã có kinh nghiệm và bề dày viết kịch bản thì với Tuấn Thành, đây là lần đầu tiên. Cả hai đã phải vật lộn, đổ mồ hôi trên từng con chữ, viết đi viết lại nhiều lần ròng rã suốt 3 năm.
Nhà báo Chu Hồng Vân tâm sự, nhiều lần định bỏ cuộc, nhưng Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải lại động viên để chị tiếp tục. Ngay cả khi đoàn phim đã quay những tập đầu tiên thì kịch bản phim vẫn tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện những tập cuối.
Nhà báo Nguyễn Tuấn Thành với những tâm sự “rút ruột” từ trong quá trình làm nghề mà anh và đồng nghiệp bắt gặp, nhưng không thể chuyển tải hết qua những bài báo, được anh cùng Chu Hồng Vân “biến” thành chuyện phim vừa gay cấn, vừa thấm đẫm tính xã hội.
Đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải cho biết khi cầm những trang bản thảo đầu tiên của bộ phim này, mặc dù biết đó không phải là kịch bản nhưng ông vẫn nhận thấy đằng sau đó rất nhiều ý tưởng, sự tâm huyết và cả kho tư liệu giàu vốn sống. Đó cũng là lý do vị đạo diễn này nhẫn nại chờ mặc dù phải mất tới 3 năm sau mới có một kịch bản đủ điều kiện để chuyển thể thành phim – bộ phim mà ông khẳng định là nếu không hay thì VFC sẽ không làm phim nữa.
Phim đề cập đến vấn đề môi trường sống, đó không chỉ là sông ngòi, rừng biển mà là sự cộng sinh trong gia đình, xã hội. Câu chuyện phim đã giải quyết được khát vọng của con người và đặc biệt, kịch bản đặt ra nhiều vấn đề, không chỉ cho hôm nay mà còn cho ngày mai, có tính dự báo và rấất sát thực với đời sống.
Hà Phương
Related posts:
- Viết cho em ngày 8 tháng 3!
- Rừng cao su Long Thành là bối cảnh phim "tiếng sét trong mưa"
- Vì sao cao su ở Đông Dương phát triển chậm?
- Tranh dân gian treo Tết - Xưa và Nay
- Kỳ đại hội khó quên
- Kinh tế khủng hoảng toàn cầu và công ước 1934
- Thi tìm hiểu 40 năm giải phóng miền Nam
- Tham quan, học tập giúp nâng cao đời sống tinh thần
- “Học tập là công việc rất thú vị!”
- Công - Nông nghiệp