CSVNO – Ngày 19/9, lãnh đạo VRG làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên để trao đổi và thống nhất về tính pháp lý của hợp đồng góp đất trồng cao su; công tác mở cạo vườn cây cao su trồng năm 2008.
Tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên, ông Võ Sỹ Lực, Chủ tịch HĐTV VRG đề nghị tỉnh Điện Biên kịp thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương trong vùng quy hoạch phát triển cao su hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo đúng quy định hiện hành; đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ đối với các hộ có đất góp trồng cao su năm 2008, để đảm bảo quyền lợi của người dân khi vườn cây đưa vào mở cạo trong năm 2016.
VRG đề nghị tỉnh Điện Biên chỉ đạo các sở, ngành liên quan chi trả dứt điểm các nội dung hỗ trợ theo quyết định 16/2011/QĐ – UBND tỉnh cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia góp đất trồng cao su và các địa phương thực hiện chương trình phát triển cao su trên địa bàn tỉnh bằng vốn ngân sách địa phương. Do Luật Đất đai hiện nay có sự thay đổi nên ông Võ Sỹ Lực đề nghị VRG và tỉnh Điện Biên thỏa thuận, sửa đổi một số nội dung của mẫu hợp đồng góp QSDĐ đã được thống nhất trước đó.
Cụ thể về thời hạn góp QSDĐ, tính thời gian góp đất cho từng ô đất; công thức tính giá trị sản phẩm mủ tươi được chia cho người dân góp đất; áp giá mủ cho lượng sản phẩm 10% của dân; phương thức thanh toán; phân chia sản phẩm mủ tươi và sản phẩm gỗ củi khi thanh lý vườn cây cao su hết chu kỳ kinh doanh.
VRG cũng đề nghị tỉnh Điện Biên phê duyệt phương án hỗ trợ, đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng nhà máy sơ chế mủ cao su theo các quy định của pháp luật hiện hành và bàn giao mặt bằng sạch để Công ty CPCS Điện Biên xây dựng nhà máy; phê duyệt dự án trồng rừng sản xuất cho Công ty CPCS Điện Biên thực hiện đối với diện tích quy hoạch trồng cao su nhưng không đủ điều kiện trồng; kiến nghị với Bộ NN&PTNT chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các diện tích cao su khép tán.
Đến nay Công ty CPCS Điện Biên đang quản lý trồng, chăm sóc hơn 3.780ha cao su; Công ty CPCS Mường Nhé – Điện Biên hiện quản lý trên 1.232ha. Các công ty đề nghị UBND tỉnh Điện Biên tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, như: Chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia góp vốn bằng giá trị QSDĐ và hỗ trợ cho doanh nghiệp…
Trong quá trình hoàn thiện thủ tục cấp GCNQSDĐ, phát sinh một số vướng mắc gây khó khăn. Một số diện tích người dân góp đất trồng cao su nhưng chưa thực hiện, các công ty đề nghị UBND tỉnh cho phép chuyển sang trồng rừng sản xuất tránh lãng phí, tạo thu nhập cho người dân.
Đối với kế hoạch mở cạo mủ vườn cây cao su trồng năm 2008, Công ty CPCS Điện Biên dự kiến mở cạo vào tháng 10/2016 với diện tích 42,59ha trồng giống PB 260 tại xã Thanh Nưa và Mường Pồn (huyện Điện Biên). Mật độ dự kiến 350 cây/ha, độ lớn vanh thân bằng và trên 50cm. Năng suất khai thác năm đầu ước đạt 0,63 tấn/ha, năng suất bình quân cả chu kỳ đạt 1,6 tấn/ha/năm. Công ty phối hợp với huyện Điện Biên rà soát, đo đạc quy chủ và cấp GCNQSDĐ cho 1.599 hộ dân; trong đó có 114 hộ dân có đất thuộc diện tích vườn cây trồng năm 2008.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn khẳng định tỉnh chia sẻ khó khăn với VRG trong tình hình giá mủ cao su xuống thấp như hiện nay; đồng thời biểu dương tinh thần vượt khó của Công ty CPCS Điện Biên và Công ty CPCS Mường Nhé – Điện Biên đã nỗ lực thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn. Về phía tỉnh Điện Biên sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để VRG thực hiện dự án.
Tỉnh nhất trí triển khai ngay việc hỗ trợ số tiền còn thiếu cho người dân góp đất trồng cao su theo Quyết định 16 của UBND tỉnh; giao cho các sở, ngành liên quan tính toán để hỗ trợ một phần kinh phí cho Công ty CPCS Điện Biên giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy sơ chế mủ cao su. Giao Sở Tài chính phối hợp với cơ quan chức năng của VRG tính toán thống nhất giá bán sản phẩm cao su có sự chứng kiến của chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện.
Trước đó, ngày 18/9, lãnh đạo VRG đã đi kiểm tra thực địa nơi dự kiến xây dựng nhà máy sơ chế mủ cao su đặt tại bản Huổi Chan, xã Mường Pồn; thăm vườn cao su trồng năm 2008 chuẩn bị đưa vào mở cạo tại xã Mường Pồn (huyện Điện Biên).
Tin, ảnh: Gia Kiệt
Related posts:
- Cao su Ea H'leo về trước kế hoạch 40 ngày
- Kiến nghị gỗ cao su là sản phẩm thứ hai sau mủ
- Nhiều đơn vị vượt mức chỉ tiêu thi đua
- Ban Chấp hành của Nền tảng toàn cầu về cao su thiên nhiên bền vững đã bắt đầu hoạt động
- VRG thực hiện tốt công tác hoàn thiện cổ phần hóa
- “Quốc hội, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào tiếp tục hỗ trợ để các công ty cao su tại Lào hoàn thà...
- Huấn luyện võ thuật cho lực lượng tự vệ Cao su Tây Nguyên – miền Trung
- Nâng cao uy tín, giá trị các mặt hàng cao su
- Cao su Bình Long: Phát hiện, phối hợp bắt giữ 4 người nước ngoài xâm nhập trái phép
- Đầm ấm buổi họp mặt cán bộ hưu trí đầu năm