CSVN – Ý kiến của ông Trần Khắc Chung – Trưởng ban Lao động Tiền lương VRG về các chế độ chính sách cho lao động tại nước ngoài.
>> Lao động làm việc tại nước ngoài: Tiếp tục kiến nghị điều chỉnh tiền lương
Về các chế độ chính sách cho lao động tại nước ngoài, VRG đã có Công văn số 448/HĐTVCSVN – LĐTL hướng dẫn bổ sung về tiền lương tại Campuchia và Lào, Công văn 451 và 452/CSVN – LĐTL về việc hướng dẫn đơn giá tiền lương tại Campuchia và Lào.
Nếu trước đây mức chênh lệch tiền lương giữa lãnh đạo và nhân viên là hơn 10% thì giờ giảm xuống còn 4,3%. Bên cạnh đó, nếu trước đây trích trong 28% quỹ lương của suất đầu tư thì mỗi đơn vị có cách tính lương và đơn giá tiền lương khác nhau. Năm 2016 thì không có sự chênh lệch giữa các đơn vị, các chức danh, công việc giống nhau thì mức thụ hưởng như nhau.
Về việc tăng lương tối thiểu vùng, lãnh đạo VRG và Ban Lao động Tiền lương đã nhiều lần làm việc trực tiếp với Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân. Cuối tháng 8 vừa qua, ông Huân đã có chuyến công tác 4 ngày làm việc với các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên, để lắng nghe các kiến nghị nhằm tháo gỡ, hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, về việc tăng lương tối thiểu vùng theo lộ trình của Nhà nước thì không thể thay đổi được. Mặc dù biết rằng ngành cao su hiện tại rất khó khăn khi giá cao su xuống thấp, các doanh nghiệp phải gắt gao tiết giảm suất đầu tư để vượt khó. Việc xây dựng thang bảng lương đã được quy định tại Điều 93 của Bộ Luật Lao động, không thể thay đổi được.
Theo Nghị định 122/2015/ NĐ – CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ: việc chi trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp ngành cao su, đặc biệt là DN có nhiều đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau như Tổng Công ty Cao su Đồng Nai được chia làm 3 vùng.
VRG cũng đã nhiều lần kiến nghị với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, về vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng đã kết luận: Nghị định 122/2015/ NĐ – CP cho phép doanh nghiệp chọn vùng cao nhất để trả lương. Nếu như vậy, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai có thể chọn vùng I để tính lương cho người lao động, như vậy lại càng khó khăn cho các công ty cao su trong tình hình hiện nay.
Việc tăng lương tối thiểu vùng và thực hiện thang bảng lương theo quy định mới tại Nghị định 49/2013/NĐ – CP từ ngày 1/1/2016 khiến các đơn vị gặp nhiều khó khăn. Theo lộ trình tăng lương tối thiểu vùng 3 năm liên tiếp (2016 – 2017 – 2018), thì sắp tới doanh nghiệp phải tiếp tục đối mặt với khó khăn. Và không chỉ riêng các doanh nghiệp ngành cao su, doanh nghiệp các ngành nghề khác cũng vậy.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh rằng: “Đây là lộ trình tăng lương tối thiểu vùng của Chính phủ, không thể chỉ vì ngành cao su mà thay đổi hoặc điều chỉnh được. Cái khó của ngành cao su hiện nay là giá bán thấp, khó càng thêm khó. Các doanh nghiệp nên chủ động, linh hoạt phân chia lao động hợp lý, cân đối các hoạt động sản xuất kinh doanh. Công đoàn nên có nhiều chế độ, chương trình hỗ trợ người lao động cùng doanh nghiệp vượt khó”.
Ngọc Cẩm (ghi)
Related posts:
- Về đích sản lượng
- Nhiều biện pháp phòng trị bệnh rụng lá đốm tròn trên vườn cây cao su
- Anh Nguyễn Nghiêm trúng cử vị trí Bí thư Đoàn thanh niên Cao su Ea H’leo
- Cao su Hà Tĩnh: Quyết tâm nâng cao thu nhập cho NLĐ
- Huấn luyện phòng cháy chữa cháy tại Nhà máy chế biến mủ cao su Lai Châu
- Cao su Chư Mom Ray: Lợi nhuận đạt 180%
- Các công ty khu vực Đông Nam bộ: "Anh cả" dẫn đầu trên mọi "mặt trận"
- Thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác năm 2020
- Cao su Lộc Ninh tuyên dương 48 công nhân về trước kế hoạch sớm nhất
- Cao su Quảng Nam tri ân các gia đình chính sách