Làm đi, đừng hô hào nữa!

CSVN – Dư luận rất hoan nghênh chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc chấm dứt tình trạng các Bộ, ngành, địa phương rồng rắn đưa rước trong các chuyến công tác.
Ảnh:Internet
Ảnh:Internet

Thủ tướng yêu cầu từ cấp thứ trưởng trở xuống khi tham gia đoàn công tác phải ngồi xe chung. Lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố và các bộ phận liên quan ở địa phương cũng ngồi xe chung, không được quá 3 xe; không được tổ chức đón đoàn trên đường đi…

Mới nghe có vẻ đó là “chuyện nhỏ” và không mới, nhưng thực ra lại là “chuyện lớn” và rất cần thiết, cấp thiết. Bởi nó liên quan đến một thứ “bệnh” đã ăn sâu vào ngóc ngách của đời sống nước ta lâu nay: Bệnh phô trương, hình thức, lãng phí.
Những chuyến công cán; các dịp kỷ niệm; lễ khai trương, khánh thành, động thổ; các hội thi… ở nước ta luôn xuất hiện hình ảnh những đoàn xe rồng rắn; những màn trang hoàng rực rỡ; những khẩu hiệu rợp trời; hoa tươi bao phủ…

Không có số liệu thống kê, nhưng số tiền chi cho những việc làm mang tính hình thức này chắc chắn lên đến con số nghìn tỉ mỗi năm.

[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”VRG triệt để tiết kiệm”]Thực hiện chủ trương triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, hạ giá thành sản xuất, thời gian qua lãnh đạo VRG đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị thành viên thực hiện nghiêm túc. Các hội nghị, hội họp đều được kết hợp, lồng ghép; đồng thời tăng cường họp trực tuyến để giảm thời gian, chi phí. Lễ mở miệng cạo kết hợp với lễ ra quân trồng mới, thực hiện Tháng công nhân. Các hội thao, hội diễn, hội thi… đều tính toán kỹ nhằm cắt giảm tối đa những chi phí không thực sự cần thiết. Việc bố trí xe công tác cũng được thực hiện khoa học, hợp lý, tránh lãng phí…[/stextbox]

Sự hoành tráng đó không chỉ gây lãng phí tài sản công, mà trong điều kiện cuộc sống của đa số người dân còn khó khăn, chật vật, còn gây tâm lý thiếu thiện chí, phản cảm, xa cách.

Nếu như ở nước ta, tình trạng biến xe công thành… xe ông khá phổ biến, thì trên thế giới, chuyện lãnh đạo cấp cao thích đi xe công cộng hay xe đạp tới công sở là chuyện không hiếm. Đơn cử như Thủ tướng Canada thường xuyên dùng xe buýt. Thủ tướng Thụy Điển thích sử dụng xe đạp đi làm. Còn Thủ tướng Phần Lan trong một chuyến công cán phải ngồi trong toilet vì máy bay hết chỗ…

Họ làm vậy không phải để tạo sự chú ý hay “làm màu”, mà đơn giản đó là ý thức tuân thủ quy định để tiết kiệm của công, là thói quen, là nếp sống thường nhật. Hòa vào người dân, gần gũi với người dân cũng là cách để họ sâu sát thực tiễn; hiểu và đồng cảm với cuộc sống của người dân để có những quyết sách hợp lý, hợp lòng dân.

Dư luận rất mong và kỳ vọng chỉ đạo của Thủ tướng phải được quán triệt rộng rãi và thực hiệm nghiêm túc, thường xuyên, trở thành một “lẽ tất nhiên” trong bộ máy công quyền và ý thức, kỷ luật của cán bộ công chức. Chỉ có như vậy mới triệt để chống bệnh hình thức, phô trương, lãng phí công quỹ khiến dư luận bức xúc suốt thời gian dài.

Phú Vinh