Thương những mùa trung thu cũ

CSVN – Cuộc sống như một dòng chảy không ngừng. Chợp mắt, đi qua miền bình yên mùa Xuân diệu kỳ, rồi ngẩn ngơ hàng phượng nở rực vào mùa hạ bỏng rát. Thoáng chốc, lòng lại bâng khuâng xuyến xao khi mùa Trung thu gõ cửa.trung-thu

Giờ lớn lắm rồi, tâm trạng cũng khác xưa. Hết rồi cái khoảnh khắc, sáng dậy chạy lon ton tới tờ lịch treo tường, bấm đốt ngón tay xem mấy ngày nữa thì Trung thu… Nhưng ký ức về những mùa Trung thu tuổi thơ thì luôn rất đẹp và luôn khiến con người ta hoài niệm. Người đời nói cũng đâu có sai. Cho dù no đói, thiếu thốn hay đủ đầy thì tuổi thơ luôn hồn nhiên và thánh thiện nhất.

Chẳng còn gì vui và hạnh phúc hơn khi được chụm đầu cùng đám bạn thân nhem nhuốc bùn đất, tóc vàng hoe cười toe toét vô lo vô nghĩ, ngồi bên gốc sung già tưởng tượng đến ngày Trung thu. Khuôn mặt ai nấy đều hân hoan, vui mừng đến lạ. Niềm vui háo hức đến độ chẳng đoái hoài gì bữa cơm chiều, chân quên xỏ dép, chạy ù ra đường làng, hòa cùng đội múa lân, đội trống miệng lẩm nhẩm theo khúc hát quen thuộc “Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu…”.

Ngoài lân, trống được chính quyền thôn, xóm đầu tư làm “không khí”, phục vụ con trẻ năm này tới năm khác thì đèn lồng trong đêm Trung thu cũng không thể nào thiếu được. Mỗi người tự trang bị cho mình một chiếc đèn lồng góp vui trong đêm hội trăng rằm. Dù không khéo tay, làm xấu, làm lâu nhưng cũng cố gắng làm bằng được để cho bằng bạn bằng bè. Đèn lồng mới nhìn thoáng qua thấy rất đơn giản nhưng công sức bỏ ra thì không nhỏ chút nào.

Tính sơ sơ thì, mất nguyên một buổi chọn cật tre, rồi vót thật trơn phơi nắng lấy độ dẻo. Một buổi chọn giấy, cắt dán xung quanh lồng đèn và ngày cuối cùng là hoàn thiện, thử nghiệm cho nến vào. Nhiều loại đèn đã được các “nhà phát minh nhí” sáng tạo rất đẹp, độc đáo: đèn ông sao cách điệu có những tua rua bằng kim tuyến, đèn cá chép cầu kỳ đính kèm những những chiếc vảy gỗ trông như thật, rồi những chiếc đèn đơn giản hơn được làm từ vỏ lon lavie, hộp sữa ông thọ…

Đêm Trung thu, trăng phủ lấp lánh vạn vật, lên dải đường quê tuyệt đẹp. Tiếng gọi nhau í ới của đám trẻ con, tiếng cười giòn tan rộn lên trong đêm vắng quyện vào tiếng đội trống, đội lân nghe thôi đã rạo rực trong lòng. Lâu lâu tụi nhỏ lại đứng quây quần, chụm đầu vào nhau che gió để mồi lửa thắp sáng vì đèn bị tắt. Có người thì vô ý để nến cháy lẹm vào thân đèn, đi hết một vòng xóm là đèn cũng thiêu rụi. Nhìn khuôn mặt nuối tiếc đến ngẩn ngơ cầm mỗi cái cán trong tay trông buồn cười nhưng cũng thương đến lạ.trung-thu-1

Có mùa Trung thu, mưa về bất chợt, niềm vui bị “giảm nhiệt” chút xíu những đứa trẻ lại cuống cuồng cong người xuống vừa chạy vừa che đèn vì sợ bị nước lọt vô, làm bong đi lớp giấy ngũ sắc dán keo, lồng đèn sẽ bị hỏng. Hò hét mệt cũng đến lúc…phá cỗ. Cỗ ở đây chủ yếu là cây nhà lá vườn của mỗi gia đình gom góp. Này là bưởi, hồng, ổi, táo, thị…quả nào quả nấy tươi roi rói và thơm phưng phức.

Có năm, “sang” hơn thì được ăn bánh dẻo, bánh nướng. Nhưng đều là “made in… mẹ”. Ăn bánh “made in mẹ” ngon chẳng kém bánh mua ở tiệm bởi ngoài nguyên liệu chính mẹ còn gửi cả tình thương yêu bao la ngọt ngào vào trong mỗi chiếc bánh. Và đó cũng là loại bánh đặc biệt nhất trong những mùa Trung thu của đời người. Ánh trăng thì vẫn chung tình, sáng tròn vằng vặc mỗi độ Trung thu về.

Duy, có chăng là sự khác lạ về cách thức chơi, thưởng thức Trung thu từ người lớn đến trẻ con. Cái gì cũng mua sẵn trên thị trường. Âu đó cũng là quy luật cuộc sống trong thời đại mở cửa, hiện đại hóa. Thế nhưng với những người hoài cổ, vẫn tiếc nhớ những mùa Trung thu xưa. Bao nhiêu mùa trăng qua đi, bao bước chân qua nhiều miền đất của cuộc sống mưu sinh, mỗi dạo Trung thu về, dù ở đâu, vẫn thấy lòng rộn lên cái háo hức của thời con trẻ muốn rình rang chạy theo tiếng trống.

Quyền Văn