Lao động làm việc tại nước ngoài: Tiếp tục kiến nghị điều chỉnh tiền lương

CSVN – Theo ông Lê Đình Bửu – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, Chủ tịch HĐQT Công ty ĐT&PT Hoàng Anh Mang Yang K (đầu tư trồng cao su tại Campuchia), một trong những khó khăn lâu dài trong việc điều động cán bộ (CB) làm việc tại Campuchia (CPC) là vấn đề tiền lương cho anh em. Hiện công ty đang thực hiện chế độ tiền lương theo Quy chế 265 của VRG, tuy nhiên trong quá trình hoạt động cũng có những phát sinh. Vì thế, công ty sẽ tiếp tục có ý kiến để VRG điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Ông cho biết:

>> Bạn đọc đồng tình cần có chính sách cho lao động làm việc ở nước ngoài

Ông Lê Đình Bửu
Ông Lê Đình Bửu

Việc điều động, luân chuyển CB của công ty được Đảng ủy, Ban TGĐ Công ty Mang Yang có chủ trương ngay từ đầu là sẽ luân chuyển tối thiểu trong 3 năm đối với nữ, và 5 năm đối với nam, nếu có nguyện vọng và lý do chính đáng thì công ty mẹ sẽ có trách nhiệm sắp xếp công việc về lại công ty mẹ. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty cũng động viên anh chị em công tác lâu dài tại dự án, trừ trường hợp buộc phải luân chuyển vì những lý do không thể làm việc lâu dài tại CPC.

Những CB được cử sang làm việc tại CPC đều còn trẻ, có trình độ, năng lực, có kinh nghiệm làm việc tại công ty mẹ và đến thời điểm hiện nay thì chưa có những phản ứng tiêu cực nào từ họ. Bởi ngay từ đầu, lãnh đạo công ty cũng đã làm công tác tư tưởng cho anh em nên xem việc điều động sang làm việc tại dự án này như là một trách nhiệm.

Trong quá trình điều động, luân chuyển cán bộ đi làm nhiệm vụ, công ty gặp những khó khăn gì thưa ông?

Ông Lê Đình Bửu: Cái khó khăn nhất chính là lao động nữ, khi được cử đi thì họ còn trẻ nhưng sau vài năm thì họ cũng phải lập gia đình, sinh con đẻ cái nên không thể sống xa nhà, xa gia đình. Vì thế khi cử đi làm tại dự án CPC thì cũng cần tính đến việc sắp xếp việc làm cho đối tượng này tại Công ty mẹ. Cũng có những trường hợp phải xin nghỉ vì không thể tiếp tục công tác hoặc không sắp xếp được công việc tương đương.

Một trong những khó khăn lâu dài đó là vấn đề tiền lương cho anh em, đối với số cán bộ chủ chốt từ trưởng phòng trở lên có thể nói là tạm ổn, nhưng số chuyên viên thì khó hơn vì mức lương chỉ dao động từ 300 – 400 USD nên việc ổn định đời sống cho anh em cũng là cái khó cho công ty, mặc dù công ty đã cố gắng huy động, tìm các  nguồn để hỗ trợ thêm.

Hiện công ty đang thực hiện chế độ tiền lương theo Quy chế 265 của VRG, tuy nhiên trong quá trình hoạt động cũng có những phát sinh. Vì thế, công ty sẽ tiếp tục có ý kiến để VRG có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Với những khó khăn này, lãnh đạo công ty thường xuyên động viên anh chị em cố gắng, nỗ lực và chia sẻ cùng với công ty lúc khó khăn, khi giá cao su vẫn ở mức thấp. Chúng tôi cũng tin chắc rằng khi giá cao su khởi sắc thì VRG sẽ có những điều chỉnh về tiền lương, chế độ cho phù hợp với tình hình. Trước những khó khăn đó, công ty đã đề xuất với VRG nên có chính sách tăng một bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ đi CPC làm nhiệm vụ.

Việc sắp xếp lao động khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về Công ty mẹ được công ty thực hiện ra sao, thưa ông?

Ông Lê Đình Bửu: Đến thời điểm hiện nay, công ty đã thực hiện luân chuyển 5 giám đốc cho công ty con tại CPC, một phó phòng, 3 giám đốc nông trường, một phó giám đốc nông trường và 3 cán bộ quản lý khác. Trong số những cán bộ quản lý này thì chưa có những ý kiến tiêu cực gì liên quan đến công tác điều động, luân chuyển công tác. Đối với công ty sẽ có những ưu tiên cho CB được điều động như giữ vị trí trống dành cho họ trở về khi có người nghỉ việc, nghỉ hưu. Ngoài ra, việc sắp xếp vị trí tại Công ty mẹ cũng ưu tiên cho họ và trong ưu tiên này sẽ xem xét đến CB nữ, những người tình nguyện…Công việc và vị trí của CB khi trở về sẽ được sắp xếp tương đương hoặc thấp hơn đôi chút đối với công việc, vị trí khi công tác tại CPC.

Xin cảm ơn ông!

Văn Vĩnh (thực hiện)