CSVN – Không thể phủ nhận những tác động tích cực của việc tăng lương tối thiểu vùng đối với đời sống CNLĐ. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, DN lại phải đối mặt không ít thách thức để tồn tại và phát triển.
>> Nghe đọc bài:
>> Lương tối thiểu vùng tăng: Doanh nghiệp đã khó càng thêm khó
DN tồn tại và phát triển mới quan trọng
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức mà DN đang phải đối mặt khi thực hiện Nghị định 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2016, một cán bộ lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng cho hay “rất khó khăn, tăng thêm gánh nặng chi phí cho DN”, nhất là lúc giá cao su vẫn còn thấp như năm nay.
Cũng như các công ty cao su (CTCS) ở khu vực Đồng Nai hay Tây Ninh, thì công ty Dầu Tiếng cũng vướng khó khăn trong việc phân chia vùng. Có trường hợp nông trường này cách nông trường kia không bao xa nhưng mức lương chênh nhau đến 400.000 đồng. Trong tổng số 11 nông trường của công ty, có 2 nông trường là Phan Văn Tiến và Long Nguyên thuộc vùng I, còn lại 9 nông trường thuộc vùng II.
“Việc tăng lương tối thiểu vùng và thực hiện thang bảng lương theo Nghị định 49 khiến công ty gặp khó khăn. Trong hợp đồng lao động (HĐLĐ) ký với công nhân theo chuẩn Nghị định 49, tức theo mức lương cơ sở vùng. Còn thực tế DN trả lương cho NLĐ dựa trên năng suất lao động, nhưng với điều kiện không thấp hơn mức lương ký trong HĐ. Có nghĩa rằng bình quân tiền lương 12 tháng không thấp hơn mức lương ký với NLĐ, đây là khó khăn phải vượt qua”, vị lãnh đạo trên chia sẻ.
Ngoài ra, điều gây khó khăn lớn nhất với DN hiện nay là việc tăng lương tối thiểu gắn với việc đóng BHXH cho NLĐ. Mỗi một đồng NLĐ nhận được do tăng lương tối thiểu thì DN phải trả gấp đôi. Theo quy định mới, từ đầu năm 2016, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương. Tổng mức đóng BHXH, BHYT, BHTN, kinh phí Công đoàn là 32,5%, trong đó DN phải đóng 22% và NLĐ đóng 10,5%. Việc tăng lương tối thiểu cùng với việc nâng nền đóng BHXH bao gồm lương và phụ cấp có tính chất lương đã khiến DN gặp nhiều khó khăn, tăng gánh nặng chi phí phải trích nộp.
[stextbox id=”stb_style_259398″]Chị Nguyễn Thị Lệ Dung – Trưởng Phòng Tài chính – Kế toán Công ty CPCS Phước Hòa cho biết: “Diện tích cao su của Công ty CPCS Phước Hòa thuộc vùng II nên không có sự cạnh tranh lao động, nhảy việc giữa các nông trường. Tuy nhiên, theo quy định của Nhà nước, từ năm 2016, mức lương tối thiểu vùng II là 3,1 triệu đồng, tăng 350.000 đồng so với năm 2015. Đây là thời điểm đơn vị khó càng thêm khó, bởi vì giá cao su sụt giảm liên tục, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, mức đóng BHXH của công ty tăng 38%, chưa kể các chi phí trả cho người lao động cũng tăng lên. Theo lộ trình tăng lương tối thiểu vùng 3 năm liên tiếp, thì năm 2017 sẽ tiếp tục tăng 7%, đây là bài toán nan giải cho các đơn vị cao su trong tình hình hiện nay”.
Ngọc Cẩm
[/stextbox]Bên cạnh những khó khăn trên, việc chuyển xếp lương theo Nghị định 49 khác nhiều so Nghị định 205/2004 của Chính phủ. Vấn đề dồn bậc lương, thời hạn nâng lương có những bất cập ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ do thời gian giữ bậc kéo dài so với trước, ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu của NLĐ. Theo tìm hiểu, nhiều DN hiện nay đã trả cho NLĐ cao hơn mức lương tối thiểu vùng.
Vì vậy, việc xây dựng chính sách tiền lương cần dựa trên mục tiêu làm sao đảm bảo được các DN mạnh khỏe, lúc đó mới có thể tăng lương bền vững cho NLĐ. Nếu quá sức chịu đựng của DN dẫn đến phải đóng cửa thì NLĐ càng thiệt thòi.
Giữ chân NLĐ bằng chính sách
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng CTCS Dầu Tiếng đã có nhiều cố gắng đảm bảo tiền lương, đời sống nên hầu hết CNLĐ an tâm làm việc, gắn bó với vườn cây nhà máy. Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2016, công nhân có thu nhập bình quân trên 4,8 triệu đồng/người/ tháng, tăng 7,7% so cùng kỳ năm 2015.
Cùng với tiền lương, CTCS Dầu Tiếng còn quan tâm, thực hiện tốt các chế độ, chính sách giữ chân NLĐ bằng nhiều chương trình phúc lợi xã hội, làm cho đời sống vật chất và tinh thần luôn ổn định. Hằng năm, Công ty Dầu Tiếng đều hỗ trợ vốn để CNLĐ vay làm nhà trả góp; hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình; động viên, tuyên dương khen thưởng CNLĐ vào những dịp như lễ, Tết, Tháng công nhân; trích hàng tỷ đồng khen thưởng CN vượt sản lượng quý III.
Đối với con em CNLĐ được trao học bổng khuyến tài, khuyến học; tham gia trại hè của ngành, trại hè Hoa Phượng đỏ của công ty… “Với tinh thần trên, hầu hết CNLĐ đều thấu hiểu, thông cảm và đồng hành cùng DN. Họ an tâm làm việc, tiếp tục gắn bó, chia sẻ để giúp DN vượt qua khó khăn, thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, đại diện lãnh đạo công ty Dầu Tiếng bày tỏ.
Bài, ảnh: Bình Nguyên
Related posts:
- Cao su Krông Buk: Lương bình quân đạt 110% kế hoạch
- Doanh nghiệp cần báo chí chia sẻ lúc khó khăn
- Thu nhập bình quân Cao su Bình Long đạt 9,3 triệu đồng/người/tháng
- Năng suất, chất lượng vườn cây là yếu tố quyết định
- Ngành cao su Việt Nam đáp ứng EUDR
- Cao su Bến Thành được đề xuất cờ thi đua của Chính phủ
- Cao su Hương Khê - Hà Tĩnh rà soát, sắp xếp lao động
- Nông trường Plei Kần (Kon Tum) hỗ trợ công nhân vượt khó
- Cao su Phú Thịnh tổ chức thành công Hội thi Bàn tay vàng 2020
- VRG chúc Tết các đơn vị quân đội, công an