CSVN – Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XD NTM) là chương trình lớn, sâu, rộng, có nội dung toàn diện, bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh – quốc phòng. Trong những năm qua, VRG đã có nhiều đóng góp để chung sức XD NTM ngày càng hiệu quả và bền vững. Kể từ số báo này, Tạp chí CSVN tổ chức thực hiện chuyên đề “Ngành cao su với nông thôn mới”. Trong bài đầu tiên của chuyên đề, PV Tạp chí CSVN đã có cuộc phỏng vấn ông Hồ Xuân Hùng – Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nguyên Chủ tịch HĐQT VRG.
Thưa ông, ngành cao su có mối quan hệ như thế nào với chương trình xây dựng nông thôn mới?
Ông Hồ Xuân Hùng: Chương trình XD NTM của Chính phủ là nội dung “xương sống” để thực hiện nghị quyết TƯ 7 khóa X về Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn. Với mục tiêu chính là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn.
Để đạt được mục tiêu này Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và nhân dân ta phải làm rất nhiều việc, mà tập trung cao độ chăm lo phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng thị trường, hiệu quả cao; giải quyết việc làm và không ngừng nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; hiện đại hạ tầng kinh tế-xã hội, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo an ninh nông thôn…
Giải pháp chính để thực hiện là huy động được sức mạnh, nguồn lực của toàn xã hội, của mọi thành phần kinh tế, cả hệ thống chính trị vào cuộc, với phương châm “Dân làm Nhà nước hỗ trợ và cả nước chung sức XD NTM”.
Doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa giải quyết “đầu vào”, “đầu ra” ổn định cho dân, vừa là nhân tố chủ lực đưa khoa học công nghệ hiệu quả cao vào sản xuất. DN là nhân tố quyết định trong thực hiện tổ chức lại sản xuất trong phát triển kinh tế từ cơ cấu lại lao động, cơ cấu lại cây trồng vật nuôi, cơ cấu lại công – nông nghiệp…
DN cùng các thành phần kinh tế khác như: hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ gia đình không những tham gia và quyết định những công việc trên, mà còn đóng góp trực tiếp bằng công của cho các công trình hạ tầng và phúc lợi khác cho quá trình XD NTM.
Ngành cao su trong 5 năm qua thực sự đã nằm trong vòng xoay đó, thực sự đã tham gia vào chương trình mục tiêu quốc gia XD NTM – đây là mối quan hệ của người trong cuộc.
Là người từng tham gia quản lý ngành cao su trong vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản trị VRG, vậy ông đánh giá Tập đoàn đã đóng góp như thế nào trong chương trình XD NTM, thưa ông?
Ông Hồ Xuân Hùng: VRG là một DN lớn trong ngành nông nghiệp. Bản thân VRG đã là thành viên tích cực tham gia vào sự phát triển kinh tế-xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng từ khi được thành lập. Trong những năm qua, VRG là một trong những DN tham gia tích cực, trực tiếp vào chương trình.
Nhìn vào những nơi các công ty thành viên của VRG đứng chân từ miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, kéo dài từ Nam đến Bắc Trung bộ và Tây Bắc, ở đâu VRG cũng tạo nên điểm sáng về tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn ở nơi mình đứng chân, tạo ra sự thay đổi hạ tầng từ nơi công nhân ở đến vùng sản xuất.
Sự gắn bó giữa trường học, bệnh xá, nhà văn hóa của các nông trường cao su với cư dân trong vùng cho thấy VRG không chỉ quan tâm đến sản xuất mà đang quan tâm cả đời sống văn hóa, y tế, giáo dục. Ngay cả ho ạạt động của các tổ dân quân tự vệ cũng góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn an ninh nông thôn.
Ngoài ra cũng phải đánh giá đúng việc hỗ trợ bằng tiền cho quỹ xóa đói giảm nghèo, xây dựng giao thông nông thôn, trường học, bệnh xá, nhà tình nghĩa… Tôi đến nhiều địa phương có các công ty cao su đứng chân đều nhận được lời ghi công của nhân dân và chính quyền địa phương ở đó.
Để chung tay góp sức XD NTM ngày càng hiệu quả và bền vững hơn, VRG cần thực hiện những công việc gì trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Hồ Xuân Hùng: Để hiệu quả hơn trong đóng góp vào chương trình XD NTM, VRG cần tập trung vào một số công việc chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tái cơ cấu lại nội ngành gắn với tái cơ cấu kinh tế của đất nước và của từng tỉnh nơi VRG đứng chân, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà cả trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Hiệu quả mang lại cho VRG không chỉ là nâng thu nhập cho công nhân cao su, tăng tích lũy, tăng đóng thuế, mà nó còn mang lại hiệu quả dây chuyền cho cư dân trong vùng.
Thứ hai, gắn kết với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có các CTCS hoạt động, để thống nhất với địa phương nơi đó những việc mình đã làm, sẽ làm và nhận phần việc cho mình cùng tham gia trực tiếp vào chương trình XD NTM. Chẳng hạn như vấn đề xây dựng đường giao thông nông thôn đến vùng sản xuất; vấn đề giống; khoa học kỹ thuật; bao tiêu sản phẩm cho hộ cao su tiểu điền, chủ trang trại; hay là cơ cấu lại cây trồng vật nuôi giữa các CTCS với dân địa phương theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đó.
Vấn đề cùng đầu tư, cùng sử dụng những công trình phúc lợi từ nhà văn hóa, bệnh xá, trường học ở các nông trường cao su với thôn, buôn, bản làng hay là cùng phối hợp để đảm bảo an ninh nông thôn từng khu vực…
Thứ ba, tuyên truyền giải thích và vận động cán bộ, CNVC-LĐ của VRG hiểu và thấy được lợi ích, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong việc cùng chung sức XD NTM trước hết là nơi công ty thành viên đứng chân. Từ đó tạo được không khí thi đua trong toàn Tập đoàn hưởng ứng cuộc phát động thi đua cả nước chúng sức xây dựng nông thôn mới.
Xin cảm ơn ông!
Phan Thắng (thực hiện)
Related posts:
- Công nhân cao su nhanh trí bắt cướp
- Công ty Sa Thầy khai thác 2000 ha năm 2017
- Doanh thu, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2024 của VRG cao hơn so với cùng kỳ năm trước
- Cao su Kon Tum: Phụng dưỡng thêm 3 Mẹ Việt Nam anh hùng
- Chuyến công tác đong đầy cảm xúc
- Xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ và EU: khó hồi phục trong ngắn hạn
- Cao su Dầu Tiếng: Chi hơn 1,9 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội
- Cao su Bình Long: Hết tháng 8 khai thác đạt 53,77%
- Cần thiết lập quy hoạch phát triển khu công nghiệp trên đất cao su
- Tập trung chuẩn bị chu đáo Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tập đoàn lần thứ IX