Đâu là “chân dung” phóng viên chiến trường?

CSVN – “Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến” – bộ phim tài liệu do ê-kíp phim của Trung tâm Tin tức VTV24 thực hiện, đang thu hút sự chú ý, tranh cãi của cộng đồng, với nhiều ý kiến trái chiều. Những ý kiến phân tích đã chỉ ra rằng: Phóng viên (PV) VN rất thiếu kiến thức và kỹ năng của một PV chiến trường.pvien
Từ trang phục…

Phần đông khán giả rất chú ý đến cách ăn mặc, lối nói và cách thể hiện cảm xúc của ê-kíp trong ký sự này. Thực hiện một ký sự chiến tranh nhưng có thể thấy nhà báo lại ăn mặc gọn gàng khá thời trang và luôn mang theo mình mũ và kính râm.

Ê-kíp làm phim cũng bị chỉ trích quá thiếu chuyên nghiệp khi tới nơi bom đạn mà không có trang thiết bị bảo vệ như PV chiến trường của các hãng tin, đài báo quốc tế. Điều này dẫn đến một vài nghi ngờ của khán giả và trở thành điểm thiếu thuyết phục trong ký sự chiến tranh này. Độc giả Kim Yến bình luận trên báo mạng Zing như sau: “Cảm giác như là diễn sâu thôi. PV chiến trường thực sự không có nhởn nhơ thế này. Xem phim thấy không thuyết phục”

… đến cách thể hiện

Bên cạnh trang phục “ra trận” thiếu chuyên nghiệp thì có nhiều ý kiến không đồng tình với sự xuất hiện và cách dẫn dắt câu chuyện của PV trong một ký sự về chiến tranh như “Ký sự Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Người PV chiến trường không cần thiết phải hiện diện như một nhân vật trong ký sự về chiến tranh mà mình đang phản ánh”.

Rất nhiều người đồng tình với ý kiến của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Theo đó, PV chiến trường sẽ không bao giờ kể lại cuộc hành trình đến điểm nóng như thế nào và cũng không bao giờ nhắc đến những chi tiết rườm rà liên quan kỹ thuật lấy tin.

Tự thân bài phóng sự đã thể hiện kỹ năng báo chí của người viết. Cái mà độc giả cần không phải là nghe những câu chuyện ly kỳ và rùng rợn đối mặt tử thần của PV chiến trường mà là khả năng tiếp cận thông tin đồng thời cung cấp những gì mới nhất đang xảy ra tại điểm nóng.

Điều quan trọng nhất của người PV nói chung, PV chiến trường nói riêng là phải phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời diễn biến của sự việc, của chiến trường. Sự khốc liệt của chiến tranh không phải nghe qua câu cảm thán của PV: “Ôi chiến tranh tàn khốc quá!”, mà qua những hình ảnh, âm thanh cụ thể PV chuyển đến người xem. Quan điểm, tình cảm hay nước mắt của PV chiến trường phải thể hiện ở hình ảnh, cảnh quay chứ không phải thể hiện trên gương mặt của PV.

Khi chúng ta xem một phim ký sự về chiến tranh, xem các bài báo viết về chiến tranh, hay đặc biệt là một phóng sự bằng hình ảnh về các cuộc chiến tranh, ít khi nhìn thấy các PV. Hình ảnh của cuộc chiến tranh nhưng nó lại là cách nhìn của một PV đối với cuộc chiến đó.

Ngoài nghiệp vụ của báo chí, ngoài nghiệp vụ của một PV thì ở đó chứa đựng quan điểm của người PV về cuộc chiến đó, nhận thức về cuộc chiến đó và kêu gọi của người PV để làm sao chấm dứt cuộc chiến đó để không mang lại những đau khổ, mất mát của cả hai phía.

Và như vậy, tất cả hình ảnh của cuộc chiến tranh có thể là súng đạn, có thể là bom rơi, có thể là gương mặt của kẻ thù… Nhưng ẩn đằng sau nó chính là chân dung của người PV, chứ người PV không cần thiết phải hiện diện như một nhân vật trong cuộc chiến đó.

Bảo Châu