Lương tối thiểu vùng tăng: Doanh nghiệp đã khó càng thêm khó

CSVN – LTS: Trong số báo 464, ra ngày 1/8, Tạp chí Cao su VN có đăng bài “Trả lương tối thiểu vùng: Khó khăn trong tổ chức thực hiện”, nêu thực trạng các doanh nghiệp (DN) ngành cao su gặp nhiều khó khăn trong việc chi trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định Nhà nước, đặc biệt đối với các DN có địa bàn trải rộng trên nhiều vùng. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi loạt bài này.
Trả lương tối thiểu vùng tạo thêm gánh nặng chi phí cho DN. Trong ảnh: Công nhân NT Cầu Khởi (Công ty CPCS Tây Ninh) đang nhận lương
Trả lương tối thiểu vùng tạo thêm gánh nặng chi phí cho DN. Trong ảnh: Công nhân NT Cầu Khởi (Công ty CPCS Tây Ninh) đang nhận lương

Mời nghe đọc bài:

Lương tối thiểu vùng không chỉ là mức sàn trong hệ thống trả công lao động, mà là căn cứ để xác định tiền lương, căn cứ trích nộp các khoản bảo hiểm, phí Công đoàn. Lương tối thiểu tăng, kéo theo hàng loạt các khoản trích nộp theo lương tăng, tạo thêm gánh nặng cho DN.

Mỗi ngày phải lo 80 triệu đồng

Trao đổi với chúng tôi về thực hiện trả lương tối thiểu vùng, ông Nguyễn Thái Bình – Phó phòng Tổ chức hành chính – Lao động tiền lương (Công ty CPCS Tây Ninh) chia sẻ, lương tối thiểu vùng tăng làm cho DN khó khăn hơn, tăng thêm gánh nặng chi phí, tác động nhiều đến hoạt động SXKD của đơn vị. “Tác động dễ nhận thấy nhất là các khoản chi phí mà DN phải trích nộp đóng chế độ cho NLĐ tăng lên thấy rõ. Cứ ngủ 1 đêm, sáng hôm sau DN phải có 80 triệu đồng chi trả đóng các loại BHXH, BHYT, BHTN, phí Công đoàn cho NLĐ so với trước đây”, ông Bình cho biết.

Công ty CPCS Tây Ninh, phần lớn diện tích thuộc vùng 2, theo quy định của Nhà nước, từ đầu năm 2016 mức lương tối thiểu vùng là 3,1 triệu đồng, tăng 350.000 đồng so năm 2015. “Thực hiện theo quy định lương mới, với tổng số NLĐ toàn đơn vị, tính bình quân mỗi tháng Tây Ninh phải lo tất cả các chế độ cho NLĐ là gần 1,2 triệu đồng/người, đó là chưa kể tiền lương, các chế độ phụ cấp như tiền ăn giữa ca, bồi dưỡng độc hại và các khoản khác. Đây là cố gắng rất lớn trong tình hình khó khăn mà DN đang phải đương đầu”, ông Bình bày tỏ.

Cũng theo ông Bình, Tây Ninh là một đơn vị có quy mô không lớn, việc tăng thêm gánh nặng chi phí thực sự là khó khăn cho DN, nhất là trong tình hình giá bán cao su còn thấp. Tính sơ bộ, cứ mỗi đồng lương tối thiểu vùng tăng, mức đóng chế độ cho NLĐ tăng từ 30 – 40% chi phí so năm 2015. Ngoài ra, so với các đơn vị vùng Đông Nam bộ, Tây Ninh gặp khó khăn nhiều hơn do giá đất và phí thuê đất cao hơn, lại nằm trong vùng II.

“Theo lộ trình tăng lương, vừa qua Hội đồng tiền lương quốc gia chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 với mức tăng bình quân trên 7% so năm 2016. Khi đó chi phí trả cho NLĐ cũng sẽ tăng lên, DN đã khó càng thêm khó và chịu thêm nhiều áp lực”, ông Bình nêu băn khoăn.

Cần cơ chế lương linh hoạt giữ chân NLĐ

Lương tối thiểu vùng tăng, NLĐ được DN đóng cho khoản chi phí khá lớn để hưởng chế độ khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, có một thực tế gần như nghịch lý, trong khi DN cố gắng hết mức để thực hiện các chế độ, còn NLĐ lại xem những chế độ bảo hiểm này tích lũy còn ở đâu xa vời. Nhiều người chỉ thấy cái lợi trước mắt, thấy tiền lương chỗ nào cao hơn là nghỉ làm công nhân cao su.

Tính từ đầu năm đến tháng 7/2016, tại Công ty CPCS Tây Ninh có 237 người xin nghỉ việc, tổng số tiền trợ cấp thôi việc gần 2,2 tỷ đồng. Có thực trạng, bên cạnh số người làm việc có thâm niên, xin nghỉ để hưởng chế độ vài năm trước đây, hiện nay số công nhân trẻ mới vào làm được vài năm cũng xin nghỉ việc

Theo ông Bình, tại Tây Ninh hiện nay vấn đề cạnh tranh lao động bắt đầu gay gắt. Trên địa bàn vườn cây công ty đứng chân, có đến 3 khu công nghiệp mọc lên, thu hút rất nhiều lao động. “Làm việc trong các khu công nghiệp có môi trường để giao lưu kết bạn, thích hợp với lao động trẻ. Hơn nữa, do nhu cầu cần lao động, điều kiện thu tuyển trong các KCN cũng thoáng nên thu hút nhiều lao động”, ông Bình phân tích.

Để giữ chân NLĐ, ông Bình cho rằng cần có cơ chế tiền lương thoáng hơn, linh hoạt hơn để DN chủ động. Phương pháp trả lương theo kiểu “tính đầu người” không khuyến khích được NLĐ tăng năng suất lao động, nhất là trong tình hình thắt chặt giá thành, giảm suất đầu tư.

Bài, ảnh: Bình Nguyên