Cao su VRG tại Campuchia: Sẽ khai thác diện tích lớn trong 2017

CSVN – Theo kế hoạch, năm 2017 các công ty thành viên VRG sẽ đưa vào khai thác cao su với diện tích quy mô lớn.

>> Cần hỗ trợ doanh nghiệp VN trồng cao su tại Campuchia

Tập huấn kỹ thuật khai thác mủ cho CN người CPC tại Công ty CPCS Đồng Nai-Kratie. Ảnh: Hoàng Khải
Tập huấn kỹ thuật khai thác mủ cho CN người CPC tại Công ty CPCS Đồng Nai-Kratie. Ảnh: Hoàng Khải
Trồng cao su gắn với xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thực hiện an sinh xã hội

Bắt đầu triển khai từ năm 2006, đến nay VRG hiện quản lý 15 đơn vị thành viên thực hiện đầu tư 19 dự án cao su tại CPC. Đến 30/6/2016, VRG đã trồng trên 90.000 ha cao su tại các tỉnh Kampong Thom, Preah Vihear, Siem Reap, Oddor Meanchey, Kratie, Moldulkiri, Rattanakiri. Trong đó, có 1.886 ha đã đưa vào khai thác và đang tập trung chuẩn bị cho công tác khai thác đại trà trên các vùng dự án. Đến nay VRG đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 2 nhà máy chế biến với tổng công suất 8.000 tấn/năm.

Tổng số lao động bình quân của VRG tại CPC đến 30/6/2016 là 15.000 người, trong đó lao động quản lý người Việt 906 người, người CPC là 584 người. Lao động trực tiếp người CPC là 13.490 người.

Tiền lương bình quân chi trả cho CN trên 150 USD/người/tháng. Ngoài ra, các công ty còn tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho CN thông qua hình thức phát thêm gạo trung bình 20 kg/người/tháng. Bên cạnh chế độ lương, các công ty còn trả thêm các khoản chi khác như nghỉ lễ, nghỉ bệnh, lương làm việc thêm giờ, tiền thưởng các ngày Tết, ngày lễ, cấp thuốc điều trị bệnh miễn phí, trang bị dụng cụ bảo hộ lao động…

Phần lớn các dự án trồng cao su của VRG triển khai ở các vùng kinh tế xã hội kém phát triển của CPC, nơi mà gần như không có các công trình kết cấu hạ tầng và người dân chủ yếu sinh sống với tập quán du canh du cư. Do vậy, khi thực hiện các dự án trồng cao su, các DN phải đầu tư cả xây dựng hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, điện, nước, cầu cống và các công trình giáo dục, y tế, tôn giáo… cho CNLĐ tại dự án cũng như cộng đồng dân cư quanh vùng.

Tính đến tháng 6/2016, riêng VRG đã đầu tư trong các vùng dự án cao su hơn 3.000 căn nhà ở CN các loại, cùng với hệ thống điện, nước sinh hoạt; xây dựng 16 công trình trạm xá và 14 trường học; gần 3.000 km đường giao thông cấp phối, cầu cống các loại…

Bên cạnh đó, VRG và các công ty thành viên còn tích cực tham gia hỗ trợ, đóng góp cho chính quyền địa phương các tỉnh trong việc xây dựng các công trình phúc lợi, giáo dục, tôn giáo phục vụ dân sinh ngoài vùng dự án và ủng hộ cho các tổ chức xã hội của CPC. Riêng VRG đã đóng góp và ủng hộ cho chính quyền địa phương và tổ chức Chữ Thập đỏ CPC hơn 3 triệu USD. Cùng với đó, VRG còn tích cực tham gia đóng góp hỗ trợ nhân dân sở tại bị ảnh hưởng bởi thiên tai; tham gia các hoạt động đóng góp cho các chương trình phúc lợi khác của chính quyền địa phương với số tiền hơn 1,4 triệu USD.

Nỗi lo thiếu lao động khai thác

Theo kế hoạch, năm 2017 các công ty thành viên VRG sẽ đưa vào khai thác cao su với diện tích quy mô lớn. Do vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý và CNLĐ làm việc ổn định, gắn bó lâu dài với các công ty để chuẩn bị cho công tác khai thác và chế biến, kinh doanh là rất cấp thiết.

Tuy nhiên, theo các công ty cao su ở CPC, hiện nay nguồn lao động tại chỗ ở các vùng dự án chưa đáp ứng được nhu cầu của các công ty. Đây là nỗi lo lớn của các công ty đang chuẩn bị đưa cao su ở CPC vào khai thác.

Để chủ động khắc phục vấn đề này, VRG đã chỉ đạo cho các công ty cao su thành viên tại CPC thực hiện nhiều giải pháp để thu hút và giữ chân người lao động. Cụ thể như tạo việc làm ổn định; ngoài lương còn tạo điều kiện cấp thêm gạo, thực phẩm, thuốc cho CNLĐ; cấp nhà ở cho các hộ gia đình CN. Cùng với đó, xây dựng cụm dân cư trong vùng dự án với đầy đủ trường học, trạm xá, nhà tụng, chùa và thực hiện các chính sách – an sinh xã hội khác cho người lao động, để người lao động dần ổn định và gắn bó với công ty cao su.

Trung Kiên