Làm kinh tế gia đình với mô hình nông nghiệp công nghệ cao

CSVN – Gắn bó việc ở cơ quan nhưng với quyết tâm làm giàu từ kinh tế gia đình, anh Lê Anh Đức (sinh năm 1982), Trợ lý kế hoạch Nông trường Xa Trạch, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long đã mày mò nghiên cứu và mạnh dạn thử nghiệm, áp dụng mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao. Từ thành công của mình, anh đã chia sẻ với những người khác…
Anh Đức coi việc chăm dưa như chăm con. Ảnh: Tùng Châu
Anh Đức coi việc chăm dưa như chăm con. Ảnh: Tùng Châu
Chăm dưa như chăm con

Khởi đầu một ngày làm việc của anh Đức từ 4 giờ sáng, tại vườn dưa lưới nhà mình. Sau đó anh đến cơ quan thực hiện công việc chuyên môn. Hết giờ ở nông trường, anh lại tất tả quay về với vườn dưa. “Luôn tay luôn chân vậy đó. Lúc nào cũng thấy eo hẹp thời gian”, anh Đức chia sẻ. Tất bật và căng sức như vậy nhưng không hề nghe anh than thở, bởi anh đang sống với niềm đam mê của mình.

Nhìn những hàng dưa xanh mướt, trĩu quả đang đến độ thu hoạch, chúng tôi mới thấy hết tâm huyết và niềm say mê của anh Đức. Anh tâm sự: “Đã từ lâu tôi ấp ủ phải thực hiện cho được một mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Tìm hiểu kỹ tôi chọn cây dưa lưới. Không chỉ vì hiệu quả kinh tế mà còn mong cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe, nhất là khi thực phẩm bẩn đang tràn lan như hiện nay”.

Tốt nghiệp Ngành sinh lý thực vật và cây cảnh Đại học Nông lâm TP.HCM, năm 2005, anh Đức vào làm việc ở Nông trường Xa Trạch. Anh xác định làm gì thì làm nhưng luôn gắn bó với nông nghiệp. “Nhiều người giàu lên nhờ nông nghiệp. Nhưng khởi nghiệp ở lĩnh vực ở nông nghiệp thời giờ không thể với con trâu, cái cày mà phải làm công nghệ cao. Tôi có lợi thế là được đào tạo bài bản, có khả năng tiếp cận với công nghệ mới, tìm hiểu được các mô hình hay, cách làm hiệu quả. Vậy nên cũng thêm tự tin và quyết tâm bắt tay thực hiện mô hình trồng dưa lưới”, anh Đức bộc bạch.

Khởi đầu, anh trồng 100 cây dưa lưới thử nghiệm theo mô hình công nghệ cao với quy trình khép kín. Đến thời kỳ thu hoạch, anh thu được những trái dưa to, mọng nước. Thử kiểm tra độ nước, độ ngọt của dưa đạt yêu cầu, anh biết mình đã thành công.

Được khích lệ từ kết quả ban đầu, anh mạnh dạn mở rộng diện tích lên 600m², trồng 1.500 cây dưa lưới. Với diện tích này, tổng chi phí đầu tư anh bỏ ra hết 110 triệu đồng, trong đó riêng chi phí làm nhà kín chiếm hơn một nửa.

Tăng quy mô, dốc vốn ra đầu tư, anh Đức xác định không thể làm chơi ăn thật, mà phải làm bài bản, khoa học. Anh tự mày mò tìm hiểu, nghiên cứu những mô hình nông nghiệp của Malaysia, Thái Lan; tải hình ảnh, clip những mô hình nông nghiệp tiên tiến trên mạng internet về tham khảo. Anh Đức cho rằng, làm nông nghiệp công nghệ cao rất khó, đòi hỏi phải có kiến thức và phải quyết tâm, luôn theo dõi quá trình sinh trưởng của cây nhằm kịp thời phát hiện những hạn chế để khắc phục.
Anh hào hứng cho biết: “Chăm cây còn kỹ lưỡng hơn cả chăm con, bởi lẽ dưa lưới là loại cây “khó tính” và “khá nhõng nhẽo” do dễ bị mẫn cảm với thời tiết, côn trùng. Vì vậy cần phải chăm sóc kỹ và có biểu đồ dinh dưỡng hợp lý”. Ngay cả việc thụ phấn cho cây anh cũng tỉ mẩn thực hiện bằng tay để đạt hiệu quả tốt nhất.

[stextbox id=”stb_style_259398″]VRG đang có chủ trương vận động, khuyến khích cán bộ, CN làm kinh tế gia đình để tăng thu nhập, nhất là trong tình hình giá cao su đang ở mức thấp, thu nhập giảm sút. Từ chủ trương này, đang xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm kinh tế gia đình hiệu quả do CN thanh niên thực hiện.[/stextbox]

Nhờ năng động, chịu khó tìm hiểu và vận dụng một cách linh hoạt ưu điểm của các mô hình khác nhau nên anh Đức giảm được chi phí đầu tư khá nhiều. Với trần nhà kín, thay vì đi thuê, anh bỏ thời gian đi mua nguyên vật liệu về gia đình tự làm. Đối với hệ thống tưới nhỏ giọt, anh học theo phương pháp của Isarel và tự chế hệ thống tưới nước thông minh cho vườn dưa.

Anh cũng tự nghiên cứu công thức bón phân và tận dụng vỏ cây cao su làm phân hữu cơ bón cho vườn dưa, vừa tạo độ ẩm, vừa đảm bảo cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Riêng về giống, anh chọn giống Swicht 690 của Malaysia sinh trưởng khỏe, cho quả to, mọng, độ ngọt đạt tiêu chuẩn.
Sống với đam mê, tinh thần sảng khoái, anh thấy sức khỏe của mình cũng tốt lên. “Ngày trước tôi bị mỡ trong máu cao. Nhờ chăm sóc vườn dưa mà vừa rồi đi kiểm tra lại thì được thông báo là không còn mỡ trong máu”, anh vui vẻ cho biết.

Không ngại chia sẻ bí quyết

Với 1.500 gốc dưa, anh Đức vừa thu hoạch vụ đầu tiên, sản lượng đạt trên 2 tấn. Doanh thu bán dưa được 65 triệu, lợi nhuận gần 40 triệu đồng. Tính ra tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt trên 60%.

Dưa của anh tiêu thụ ra sao? Trước thắc mắc của chúng tôi, anh Đức trả lời ngay: “Dưa thu hoạch được các siêu thị tiêu thụ hết”. Để các siêu thị tin tưởng bao tiêu, anh đã mua dụng cụ thử các chỉ số về độ nước, độ ngọt của dưa. Sau đó, các siêu thị cử đại diện đến kiểm tra, đối chứng khi đạt yêu cầu họ mới ký hợp đồng mua và đến tận vườn thu hoạch, đóng gói.dua luoi 1

Có đầu ra ổn định, lợi nhuận khá cao, anh Đức đang mở rộng thêm 3.000m² để trồng dưa lưới cho vụ tiếp theo. “Sau dưa lưới, tôi dự định thử nghiệm các loại cây trồng khác”, anh Đức tiết lộ.

Mô hình trồng dưa lưới của anh Đức đang được nhiều người trên địa bàn tỉnh Bình Phước cũng như trong ngành cao su quan tâm tìm hiểu. Anh Lê Văn Quyền, Phó Giám đốc Nông trường Cao su Xa Trạch, cho biết: “Tôi đã đến xem mô hình trồng dưa lưới của anh Đức. Rất ấn tượng. Hiện tại, tôi đang học tập mô hình trồng dưa lưới này. Tôi rất mừng là được anh Đức nhiệt tình tư vấn, hỗ trợ về mặt kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm”.

Khi được hỏi có lo bị “lộ nghề” và cạnh tranh không, nhất là khi đang mở rộng đầu tư, anh Đức không ngần ngại khẳng định: “Tôi sẽ không giấu nghề đâu. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về mặt kỹ thuật và đảm bảo đầu ra sản phẩm cho những ai có tâm huyết muốn đầu tư theo mô hình này”.

Quỳnh Mai