CSVN – Hiện một số đơn vị tại Tây Nguyên đang cho người dân thuê đất trồng xen canh khoai lang Nhật, hiệu quả ban đầu cho thấy khả thi.
Mô hình mới
Diện tích trồng xen khoai lang nhiều nhất là ở NT Ia Phú – Công ty Chư Păh với 230 ha, tiếp đến là NT Ia Glai thuộc Công ty Chư Sê với tổng diện tích trên 160 ha. Tại NT Tân Lập của Công ty Mang Yang cũng có khoảng 30 – 40 ha.
Ông Phan Văn Quý, một nông dân đến từ Đăk Lắk cho biết: “Đây là giống khoai lang của Nhật được chúng tôi mua từ Công ty Viên Sơn ở tỉnh Lâm Đồng rồi về nhân giống mới đem trồng đại trà như thế này. Nhóm của tôi gồm 3 anh em, xin thuê 38 ha với giá 915 ngàn đồng/ha. Thời gian từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch khoảng 3 – 4 tháng, tùy theo thời giá lúc nào được giá thì thu hoạch sớm hay muộn. Hiện nay, tuy mới trồng được khoảng một tháng nhưng đã có thương lái đến đặt cọc với giá 8.000 đồng/kg. Chúng tôi đang tiến hành chăm sóc sao cho tốt để có năng suất cao”.
Anh Nguyễn Văn Trúc, một hộ nông dân từ tỉnh Đăk Lắk đến NT Ia Glai của Công ty Chư Sê thuê 4,8 ha để trồng khoai lang Nhật cho hay: “Công việc trồng khoai lang này chúng tôi cũng có kinh nghiệm 4 năm rồi, lúc trước chủ yếu là trồng trên đất ruộng, nay đi tìm đất mới nhằm tăng thêm mùa vụ. Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen mà”. Theo anh Trúc, khoai này khá hợp với đất đỏ, nên cho năng suất từ 1,5 – 2 tấn/sào (15 – 20 tấn/ha), trồng mùa này chủ yếu là đón mưa tự nhiên, còn trồng trên đất ruộng thì phải tưới. Với giá hiện nay là 14.000 đồng/kg thì lãi khá cao, bình thường thì mỗi ha lãi khoảng 50%, tức từ 70 – 80 triệu đồng, nếu được giá thì lãi cao hơn.
Còn mới nên công nhân cao su chưa tiến hành trồng
Thực ra, đây là mô hình mới nên người công nhân cao su cũng còn khá bỡ ngỡ bởi kỹ thuật, cây giống, đầu ra chưa ổn định nên chưa ai tiến hành trồng. Theo ông Nguyễn Trọng Bằng, cán bộ NT Ia Glai, trồng khoai lang này phải trải qua nhiều giai đoạn, nhất là khâu làm đất, phun thuốc, trong khi người công nhân vốn chưa trồng loại cây này bao giờ.
Tuy vậy, việc trồng khoai lang cũng chỉ được một mùa, bởi theo nhiều người nếu trồng trên đất cũ mùa thứ 2 rủi ro rất cao vì sâu sẽ phá hư hết khoai, trong khi đó năng suất lại thấp, chỉ có những người có kinh nghiệm lâu năm mới dám trồng. Một vài cán bộ của các công ty như anh Phan Văn Minh (Công ty Chư Sê) cũng tham gia trồng 5 ha, hay anh Vũ Hoàng Lâm, Phó GĐ NT Ia Phú – Công ty Chư Păh cũng trồng 3 ha và tổ trưởng một số NT…
Hầu hết họ đều khẳng định để đầu tư trồng được một ha khoai lang phải mất từ 50 – 60 triệu đồng. Nhưng theo ông Quý, với nông dân “chuyên nghiệp” có máy móc, kinh nghiệm và công lao động thì chi phí ban đầu thấp hơn nên lãi cuối mùa cũng khá hơn, giá từ 5.000 đồng/kg là đã có lãi. Một trong những lợi ích to lớn mà cây cao su được hưởng từ việc trồng xen của người dân là họ làm đất rất kỹ, khoảng 3 lần cày, xới và phải bón khoảng 30 bao phân kali, lân, đạm/ha cho khoai.
Ngoài ra, người trồng khoai cũng phải tự mình phun thuốc cháy cỏ trong cao su. Do vậy, những diện tích được người dân trồng xen khoai lang thì đất rất sạch, đẹp mắt và cao su cũng hưởng lợi rất lớn từ nguồn phân bón cho khoai lang.
Bài, ảnh: Văn Vĩnh
Related posts:
- Công nhân cao su Quảng Trị nâng cao thu nhập từ trồng tiêu
- Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương Cao su Đồng Nai
- Đồng Nai: Nguy cơ xóa sổ vườn cao su tiểu điền
- Lãnh đạo VRG đánh giá cao kết quả hoạt động 8 tháng đầu năm của các công ty cao su tại Lào
- Cao su Ea H’leo: Sản lượng khai thác cao nhất từ trước đến nay
- Xây dựng lực lượng tự vệ cao su vững mạnh trên địa bàn Gia Lai
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với ngành cao su
- Sẽ khen thưởng 158 tập thể và 280 cá nhân vượt kế hoạch
- Ban lãnh đạo Cao su Dầu Tiếng đối thoại với CNLĐ
- Năng suất cao nhờ tận thu mủ tốt