Y tế ngành cao su tích cực phòng chống dịch sốt xuất huyết

CSVNO – Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện tại đang bùng phát dịch sốt xuất huyết (SXH), nhất là tại 4 tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai và Kon Tum. Cùng với cơ sở y tế địa phương, trung tâm y tế của các công ty cao su trực thuộc VRG trên địa bàn đang nỗ lực điều trị, phòng chống nhằm dập dịch. Ghi nhận của PV Tạp chí Cao su VN tại Gia Lai.

>> Khẩn trương phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Phó GĐ TTYT Cao su Chư Păh Nguyễn Thanh Hải thăm hỏi và kiểm tra tình trạng bệnh nhân SXH
Phó GĐ TTYT Cao su Chư Păh Nguyễn Thanh Hải thăm hỏi và kiểm tra tình trạng bệnh nhân SXH
Số bệnh nhân tăng 30 lần so năm trước

Bà Nguyễn Thị Xinh, một công nhân nghỉ hưu ở thôn Tân Bình – Đăk Đoa – Gia Lai chia sẻ với chúng tôi, nhà bà có ¾ người bị mắc SXH, bà và người chồng, cùng với cô con dâu. Người con trai tuy chưa bị, nhưng mọi người đều rất lo lắng vì giờ đang là lúc cao điểm của dịch SXH.

Còn chị Ngô Thị Hằng, ở thôn 3 xã Tân Bình – huyện Đăk Đoa – Gia Lai cho biết: “Ngay khi phát hiện cháu bị nóng sốt, gia đình tôi đã nhanh chóng đưa cháu vào nhập viện tại Trung tâm y tế của Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, đến nay nằm viện đã được một tuần rồi nhưng các bác sỹ vẫn chưa cho xuất viện vì còn phải theo dõi khi nào hết sốt mới được về nhà”.

Tính đến nay ngày 7/8/2016, Tây Nguyên đã có 4 tỉnh bùng phát dịch SXH bao gồm; Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai và Kon Tum. Hiện đã nghi nhận trên toàn vùng có khoảng 10.000 bệnh nhân bị mắc bệnh, tăng 30 lần so với năm trước, trong đó riêng tỉnh Gia Lai có trên 4.000 ca. Gia Lai là địa phương có số ca nhiễm SXH nhiều nhất, theo nghi nhận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai có ngày số ca mắc SXH nhập viện lên đến 115 ca.

Tại Trung tâm y tế Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, tính từ đầu năm đến nay đã có 167 bệnh nhân nhập viện điều trị SXH, trong số này có 16 người là công nhân cao su của công ty. Cao điểm nhất là vào các tháng 6, 7 riêng 7 ngày đầu tháng 8 đã có 20 ca nhập viện vì SXH. Trên địa bàn Chư Păh, mặc dù không phải là trung tâm của dịch nhưng từ đầu tháng 5 đến nay đã có khoảng 100 người bị nhiễm, trong đó có đến 50% là công nhân cao su, phần lớn là người dân tộc thiểu số.

Trong khi đó, trên địa bàn Chư Prông số người liên quan đến sốt nhập viện tại Trung tâm y tế của công ty từ đầu năm đến nay khá cao với 200 ca, trong đó có 80 ca là SXH. Trung tâm y tế Công ty Kon Tum cũng đã tiếp nhận 11 người SXH tính từ lúc dịch bùng phát…

Các trung tâm y tế cao su đủ năng lực ứng phó

Tại các vùng dân cư khác, nơi có các công ty cao su đóng chân, tình trạng SXH cũng đang diễn biến phức tạp, nhưng các trung tâm y tế (TTYT) cao su đã tích cực phối hợp với tuyến huyện để từng bước đẩy lùi dịch. Tuy tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm lượt người nhưng các TTYT cao su vẫn chưa để xảy ra trường hợp nào đáng tiếc, chỉ có vài trường hợp phải chuyển lên tuyến trên vì mức độ nguy hiểm cao.

[stextbox id=”stb_style_259398″]Theo báo cáo của Trung tâm Y tế ngành cao su, 6 tháng đầu năm 2016, có 507 tổng số ca mắc bệnh SXH tại các công ty cao su. Hiện tại, số bệnh nhân đang được điều trị là 60 người. Số chuyển tuyến và sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo là 26 lượt.[/stextbox]

Hiện nay, hệ thống y tế của các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên hoàn toàn có đủ khả năng để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc SXH trên địa bàn cũng như trong CN cao su. Bác sỹ Nguyễn Trị – Giám đốc TTYT Cao su Mang Yang cho biết: “Với quy mô 30 gường bệnh, cùng với sự huy động từ tuyến dưới lên, TT hoàn toàn có đủ năng lực tiếp nhận bệnh nhân đến điều trị. Hiện TTYT của chúng tôi được trang bị những máy móc hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu cơ bản trong xét nghiệm và chẩn đoán như máy Eli se, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm màu, máy chụp X – quang và xe cấp cứu chuyên dụng. Đội ngũ y, bác sỹ có 27 người trong đó có 4 bác sỹ, một cử nhân xét nghiệm, sẵn sàng phục vụ các yêu cầu cấp thiết trong công việc”.

 Triển khai nhiều biện pháp phòng chống và dập dịch

Trước tình  hình dịch SXH lây lan nhanh chóng, các TTYT cao su khẩn trương triển khai các biện pháp đối phó với dịch bệnh như phun thuốc diệt muỗi, loăng quăng xung quanh nơi ở, nơi làm việc trên toàn địa bàn.

Tuy dịch SXH đang diễn biến phức tạp trên địa bàn 4 tỉnh Tây Nguyên, nhưng số CN cao su bị mắc SXH không nhiều. Gia Lai đang là trung tâm của dịch, tuy vậy các TTYT cao su chỉ chuyển lên tuyến trên chưa đầy 10 trường hợp. Nhất là tại TTYT Cao su Chư Prông, từ đầu năm đến nay đã điều trị khoảng 200 ca liên quan đến các bệnh về sốt, trong đó có 80 ca là SXH, nhưng chưa phải chuyển lên tuyến trên một ca nào. Đặc biệt, các TTYT chưa để xảy ra trường hợp nào đáng tiếc.

Theo bác sỹ Nguyễn Thanh Hải – Phó GĐ TTYT cao su Chư Păh thì có được kết quả này là do công tác phòng chống dịch SXH, sốt rét của các TTYT cao su là việc làm thường xuyên hàng năm nên đã hạn chế được rất nhiều tình trạng CN cao su bị mắc SXH. Các TTYT được sự chỉ đạo của y tế ngành, sở y tế địa phương đã thường xuyên cho cán bộ y tế xuống cơ sở tuyên truyền, tập huấn đối với cán bộ y tế cơ sở cách phòng chống SXH, chỉ đạo phun thuốc diệt muỗi…Chính vì thế, trong đợt dịch SXH này, các TTYT cao su không hề bị động, ngược lại sẵn sàng tiếp nhận, điều trị nhờ trang thiết bị và năng lực, trình độ của đội ngũ y bác sỹ hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.

Cán bộ Trung tâm y tế cao su Chư Păh phun thuốc diệt muỗi xung quanh nơi làm việc. Ảnh: Văn Vĩnh
Cán bộ Trung tâm y tế cao su Chư Păh phun thuốc diệt muỗi xung quanh nơi làm việc. Ảnh: Văn Vĩnh

Trước tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng và lan rộng, VRG đã có công văn thông báo yêu cầu các đơn vị chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, phương tiện cấp cứu… để tiếp nhận thu dung và điều trị bệnh nhân kịp thời. Tổ chức tập huấn để thực hiện đúng quy định về “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH Dengue” theo Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16/2/20111 của Bộ Y tế. Giám sát chặt chẽ các ca bệnh, côn trùng trung gian truyền bệnh nhằm phát hiện sớm, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ trong vòng 48 giờ theo đúng các biện pháp chuyên môn đã quy định. Tại những địa bàn có nguy cơ dịch lan rộng phải tổ chức triển khai nhanh các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi, loăng quăng trên diện rộng.

Bên cạnh đó, lập kế hoạch tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng tại các hộ gia đình công nhân ở các nông trường, xí nghiệp. Phối hợp với các y tế địa phương trong công tác diệt loăng quăng, phun tẩm hóa chất, thu dung điều trị các ca bệnh SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo và SXH Dengue nặng. Tuyên truyền kiến thức về phòng chống sốt xuất huyết trong công nhân để cùng tích cực chủ động tham gia phòng, chống bằng nhiều hình thức phù hợp.

Ngoài ra, TTYT ngành cũng đã làm việc với Sở Y tế Gia Lai, phối hợp với Y tế dự phòng tỉnh Gia Lai cung cấp hóa chất phun thuốc diệt muỗi đầy đủ. Đồng thời chỉ đạo cho các cơ sở y tế cao su chuẩn bị thuốc men, phương tiện cấp cứu điểu trị kịp thời cho bệnh nhân. Hiện có 4 bệnh viện và 5 phòng khám đa khoa của các đơn vị cũng đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, phương tiện cấp cứu, chuyển viện…tương đối đầy đủ. Cơ số hóa chất phun tẩm dự phòng (Icon, Fendona) TTYT Cao su đã cấp cho các đơn vị. Mặt khác, các đơn vị được TTYT dự phòng các tỉnh cung cấp hóa chất phun tẩm thuốc diệt muỗi, tổ chức phun thuốc diệt muỗi xung quanh văn phòng, nơi làm việc…

Văn Vĩnh – Minh Tâm

[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Công nhân nên trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi ra lô”]

Theo Bác sĩ Lê Quốc Chính, Giám đốc TTYT Ngành cao su thì, bệnh SXH gia tăng nguyên nhân là do một số tỉnh Nam bộ đang vào mùa mưa, hiện tượng Elnino làm tăng nhiệt độ trung bình của môi trường, đây là điều kiện cho muỗi phát triển. Elnino cũng gây hạn hán trên diện rộng, các hộ gia đình thường tăng trữ nước tại các dụng cụ chứa nước không đậy kín đúng cách tạo môi trường thuận lợi cho muỗi đẻ trừng. Khu vực Tây Nguyên không phải là vùng lưu hành SXH phổ biến trong những năm qua nên miễn dịch đối với bệnh ở quần thể ở mức thấp. Vì thế khi xuất hiện dịch sẽ lây lan và bùng phát nhanh. Do người dân chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch…

Bác sĩ Lê Quốc Chính cũng khuyến cáo: “Đối với công nhân cạo mủ cao su, khi ra lô nên trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động như quần áo đồng phục, đi giày, găng tay, mũ nón đầy đủ. Có thể bôi các loại thuốc chống muỗi đốt, dầu gió, đeo nhang muỗi ở trên đầu…để tránh bị muỗi đốt. Đối với trẻ nhỏ, gia đình liên hệ phối hợp với nhà trường, tuyên truyền phòng chống bệnh, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, trường học, mắc màn khi đến giờ ngủ trưa cho các cháu. Đối với các hộ gia đình nên trữ nước đúng cách, diệt loăng quăng, bọ gậy, những nơi đọng nước nên kiểm tra tránh muỗi đẻ trứng…”.

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp cho nên một người có thể mắc bệnh 2-3 lần.

Đối với trường hợp nhẹ, người bệnh sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; có thể có nổi mẩn, phát ban. Nặng hơn, người bệnh có dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng); đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Cụ thể là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại…); Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ hàng tuần. Người dân cần chú ý thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ… dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Ngoài ra, cần có thói quen ngủ màn kể cả ban ngày. Người bệnh sốt xuất huyết cũng ngủ màn để tránh muỗi đốt lây bệnh cho người khác. Đối với những người bệnh có triệu chứng mắc bệnh nghi sốt xuất huyết nên đến các trạm y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà gây nguy hiểm đến tính mạng.

[/stextbox]

Minh Tâm (ghi)