Nhiều vướng mắc trong sắp xếp, đổi mới công ty nông lâm nghiệp

CSVN – Vướng mắc về cơ chế, đất đai, thiếu vốn… được xem là nguyên nhân làm chậm tiến độ sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp (NLN) trong 2 năm qua. Các vấn đề này được nêu ra tại Hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty NLN năm 2015 – 2016 và nhiệm vụ từ nay đến năm 2020, vừa diễn ra tại Hà Nội. TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận tham dự và có ý kiến phát biểu tại Hội nghị.
Các Tập đoàn cho rằng thiếu cơ chế thực hiện sắp xếp, đổi mới công ty nông lâm nghiệp.
Các tập đoàn, tổng công ty cho rằng thiếu cơ chế thực hiện sắp xếp, đổi mới công ty nông lâm nghiệp.
Khó cổ phần hóa vì vướng về đất đai

TCT Cà phê VN được xem là đơn vị yếu kém nhất hiện nay trong triển khai Nghị định 118 của Chính phủ về NLT. Giải thích về điều này, đại diện TCT Cà phê VN cho biết, việc triển khai sắp xếp 52 đơn vị thuộc TCT gặp nhiều khó khăn, phức tạp do các đơn vị chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên, nơi có nhiều đồng bào dân tộc. Đây cũng là khó khăn của VRG.

Chính phủ đã phê duyệt cho TCT Cà phê VN sắp xếp 5 đơn vị giải thể, trong đó 3 đơn vị thực hiện trong năm 2016. Theo chủ trương của Chính phủ, TCT sẽ chuyển đổi 3 đơn vị thành công ty 2 thành viên. Tuy nhiên đến nay đã có 2 đối tác đầu tư xin rút, còn một nhưng vẫn làm chưa xong.

Đề cập đến vướng mắc đất đai, lãnh đạo TCT Cà phê VN cho biết, việc đầu tư trước đây hình thành hai dạng, vừa Nhà nước vừa người dân. Giờ kiểm kê thiếu hồ sơ nên khó phân định tỷ lệ tham gia đầu tư. “Đồng bào dân tộc suy nghĩ rằng, cổ phần hóa (CPH) là tư nhân rồi nên họ cố giữ đất. Trước thông báo giải thể 5 đơn vị, đồng bào lo lắng lắm”, đại diện TCT Cà phê VN nêu ý kiến.

Ngược với TCT Cà phê VN, TCT Lâm nghiệp được đánh giá là đơn vị tiến hành sắp xếp, đổi mới công ty NLN có hiệu quả. Ông Phí Mạnh Cường – TGĐ TCT Lâm nghiệp cho biết, TCT sắp xếp lại 7 đơn vị, được hầu hết người lao động và người dân ủng hộ. Sau sắp xếp, đơn vị giữ được đất và ngành nghề hoạt động, đảm bảo đời sống ổn định cho người lao động và người dân trong vùng.

[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”VRG đề nghị có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh cổ phần hóa”]

Phát biểu tại hội nghị, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận cho biết, lộ trình CPH Công ty mẹ và 22 đơn vị thành viên thuộc VRG chậm là do vướng chính sách đất đai. Theo ông Thuận, phần lớn diện tích đất của VRG đã được cấp bìa đỏ, nhiều hộ gia đình sinh sống, ổn định sản xuất. Nếu theo Thông tư 07 hướng dẫn Nghị định 118 thì sẽ rất chậm. Chính vì thế, VRG xin cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ CPH.

Trước kiến nghị của VRG và TCT Cà phê VN về việc xin cơ chế đặc thù CPH, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý giao Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Ban đổi mới DNNN chủ trì cùng cáác Bộ NN và PTNT, Tài chính, Tài nguyên-Môi trường sớm làm việc để có hướng giải quyết.

[/stextbox]

Trong khi các Tập đoàn, TCT nêu vướng cơ chế thì các địa phương lại kêu thiếu tiền. Lãnh đạo các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Định, Hòa Bình, Nam Định kiến nghị Chính phủ sớm bố trí nguồn kinh phí cho bảo vệ rừng và đo đạc, cấp bìa. Về việc này, Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng hầu hết các địa phương trông chờ và phụ thuộc vào nguồn kinh phí từ Trung ương nên việc sắp xếp các công ty NLN cầm chừng, nghe ngóng, chờ đợi.

5 nhiệm vụ trọng tâm

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số công việc trọng tâm trong thời gian tới.

Một là, sắp xếp, đổi mới công ty NLN phải gắn với quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động DN Nhà nước phù hợp tiến trình phát triển đất nước và tái cơ cấu ngành nông nghiệp để đời sống người dân được khấm khá.

Hai là, tăng cường quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và đất rừng; đất và rừng phải có chủ, gắn trách nhiệm chủ thể để có trách nhiệm.

Ba là, quy hoạch việc phát triển gắn với công nghệ chế biến, thị trường, tiêu thụ, tạo chuyển biến căn bản hoạt động công ty NLN với các trung tâm khoa học công nghệ tiên tiến.

Bốn là, các Bộ, ngành theo phân cấp tiếp thu hoàn thiện các kiến nghị đề xuất, giải quyết dứt điểm các vướng mắc mà cơ sở phản ánh.

Năm là, các địa phương chủ động bố trí, ứng vốn để đẩy nhanh tiến độ đo đạc, cấp bìa cho các DN, tinh thần không chậm trễ.

P.V