Đàn ông và việc nhà

CSVN – Công việc nhà với đàn ông có khi là gánh nặng, với một số khác lại là nhịp cầu chia sẻ yêu thương với vợ và thể hiện trách nhiệm với gia đình. Tuy nhiên, thế nào là vừa phải?dan ong
Chồng siêng, vợ được nhờ

Ngay từ khi quen nhau, mỗi lần đến phòng trọ của chị Hoàng Thị Lan (nhân viên kế toán – công ty xây dựng, Q3, TP.HCM) chơi mà thấy đồ ngâm trong thau là anh Vũ Tiến Hùng xắn tay áo vào giặt ngay lập tức. Lấy nhau rồi, mọi người trong công ty ai nấy đều phải ghen tị khi nghe chị kể chuyện chồng mình: “Mỗi buổi sớm, chồng chị vẫn đặt đồng hồ dậy trước chị khoảng 15 phút, sau khi nấu nước nóng và pha sẵn vào thau thì gọi chị dậy để tắm”.

Với công việc khá mệt nhọc là buôn bán cá ngoài chợ, chị Thùy Nhung (Q5, TP.HCM). cũng được chồng san sẻ hết việc nhà. Sau khi cùng đi lấy hàng về, chị ở lại chợ bán, còn anh trở về nhà đưa con đi học, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, rồi lại ra chợ đón chị về ăn cơm.

Ngủ trưa xong, chị Thùy Nhung lại thủng thẳng ra chợ bán, tối về tắm rửa, ăn cơm, xem tivi và nghỉ ngơi. Tất cả mọi việc từ cơm nước, rửa chén, lau nhà, chuyện con cái… đều một tay anh cáng đáng. Có lần chị tâm sự: “Nhiều khi nghĩ cũng thấy áy náy, nhưng đi chợ về mệt đừ người nên chả muốn đụng tay chân vào việc gì nữa. Với lại, anh ấy cũng là người rất chịu khó, vì thương vợ nên cứ giành làm hết mọi việc”.

Chồng lờ, vợ phải chịu

Ngược lại là câu chuyện cô bạn thân tên Hồng (Q2 TP.HCM) của chị Cẩm. Vốn là con gái cưng trong một gia đình khá giả nên Hồng đã rất hụt hẫng khi bước chân về nhà chồng. Trong khoảng thời gian yêu nhau, Khương – chồng Hồng, tỏ ra chăm chút rất kỹ lưỡng và chiều chuộng bạn gái hết mực. Mọi việc Khương đều giành lấy để làm, luôn tìm mọi cách để Hồng vui và dù bất cứ nguyên nhân nào thì Khương vẫn là người tiên phong làm lành, dỗ dành Hồng khi hai người giận nhau. Ấy vậy, từ khi lên chức chồng, Khương bỗng dưng thay đổi hoàn toàn.

Ngoài đi làm về, trong suốt hơn 3 năm lấy nhau Khương chưa bao giờ đụng tay vào chuyện bếp núc, ngay cả khi vợ mệt. Ngay những việc nhỏ nhặt như cất cặp, cất giày, lấy tăm… Khương đều “ra lệnh” cho vợ làm. Khi còn con gái sống với gia đình, những việc như dắt xe ra, dắt xe vào với Hồng đều rất nặng nhọc. Vậy mà giờ đây nó đã trở thành những công việc hằng ngày.

Trước khi nhẫn nhục chịu đựng thì Hồng cũng nhiều lần cằn nhằn với chồng nhưng chỉ nhận lại sự độc đoán, gia trưởng từ câu nói: “Chuyện bếp núc là của đàn bà, đàn ông mà làm mấy cái đó thì còn gì là phong độ”. Để giữ hòa khí gia đình nên Hồng chỉ biết than vãn mỗi khi tâm sự với bạn bè rằng “chồng tớ lờ, tớ phải chịu”.

Khác với những trường hợp trên, vợ chồng chị Thu Minh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) là người biết cân đối nhất. Hai vợ chồng cùng làm công sở, lại sống riêng và chưa có con nên cũng không cần thuê người giúp việc. Buổi chiều đi làm về, vợ lo chuyện cơm nước, chồng cũng bận chuyện dọn dẹp, lau nhà, gấp cất quần áo… Ăn cơm xong, vợ rửa chén thì chồng lại hì hụi lau bàn, quét nhà. Cuối tuần, có thời gian rảnh, chồng lại lo sửa sang, lau chùi các vật dụng trong nhà, có khi chở vợ đi chợ, phụ vợ ủi đồ. Những khi vợ bận làm việc thêm tại nhà, hoặc mệt mỏi thì chồng lại thay vợ cơm nước.

Chị Thu Minh quan niệm: “Việc nhà là bổn phận của người phụ nữ trong gia đình. Mình cảm thấy rất vui khi vun vén tốt công việc nhà, hoặc tự tay ủi từng bộ quần áo cho chồng, được thấy chồng ăn những bữa cơm ngon do tay mình nấu… Tuy nhiên, những khi được chồng chia sẻ thì lại cảm thấy hạnh phúc hơn vì được chồng quan tâm và yêu thương”.

Trong khi Thiết – chồng chị Thu Minh, lại cởi mở: “Việc nhà không có gì khó, và cũng không phải chỉ của phụ nữ. Nếu thực sự thương vợ thì người đàn ông có thể làm bất cứ việc gì. Điều quan trọng là sự chia sẻ, cảm thông với nhau chứ không phải sự phân chia, tị nạnh. Dù vậy, nếu có một người vợ đảm đang, chu toàn thì không người đàn ông nào không hạnh phúc”.

Phương Thảo