Mô hình khoán vẫn phát huy giá trị

CSVN – Luôn gắn bó với cây cao su, cũng là người giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Cao su Bình Long lâu nhất (1982 – 1998), cho đến khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Văn Sao – Nguyên GĐ Công ty Cao su Bình Long lúc nào cũng theo dõi từng bước đi của ngành. Ông chia sẻ:HOA_6558

Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã theo cha đi làm cao su, nên sự thăng trầm của ngành cao su nói chung và ở đất Bình Long này nói riêng tôi đều được chứng kiến. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh cũng như xây dựng đất nước.

Ở Bình Long cũng vậy. Ngay khi tiếp quản, ngành cao su gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là về lao động, bởi sau giải phóng ở đây rất ít dân. Cái khó thứ 2 là tiền và gạo đều thiếu trong khi mủ cao su có nhưng bán không được. Về kỹ thuật làm cao su, toàn bộ anh chị em lao động ở phía Bắc vào nên cây cao su đối với họ là một từ còn lạ lẫm.

– Để giải quyết những khó khăn đó, lãnh đạo công ty thời bấy giờ có những giải pháp gì để tháo gỡ?

Ông Nguyễn Văn Sao: Trong tình hình khó khăn chung của tỉnh cũng như của ngành cao su, Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Tổng Cục Cao su VN lúc bấy giờ đã thống nhất với nhau một quan điểm là vận động, đưa người dân phía Bắc vào làm kinh tế mới như Thái Bình, Thanh Hóa, Bình Trị Thiên, Hà Sơn Bình.Thực hiện chủ trương trịđó, Công ty Cao su Bình Long đã thu hút được gần 6 ngàn lao động với 30 ngàn gia thuộc.

Song song với việc tuyển dụng, chúng tôi thường xuyên mở các lớp đào tạo tay nghề cho CN từ khâu chăm sóc, khai thác cho đến chế biến mủ. Để chăm lo kinh tế và thu nhập cho NLĐ, do mủ cao su thời kỳ đó gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ nên chúng tôi phải đi vay gạo để phát cho CN. Ngoài ra, công ty còn lấy củ mài, củ chụp, củ nho, bo bo để phân phát. Để tăng mức sống cho NLĐ và gia thuộc, công ty phối hợp với Công đoàn tạo điều kiện cho CN trồng xen canh, cho mượn đất trồng lúa, đồng thời phát động phong trào chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

– Trong 17 năm giữ cương vị lãnh đạo, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm mà mình tâm đắc?

Ông Nguyễn Văn Sao: Trước đây, toàn bộ CBCNV – LĐ đều phải làm việc 8 tiếng. Đối với CN cao su, tôi thấy kiểu làm việc như vậy hiệu quả không cao nên đã mạnh dạn chuyển sang mô hình giao khoán. Và cho đến bây giờ, mô hình này vẫn phát huy giá trị. Bởi đây là động lực để NLĐ tích cực làm việc. Trong thời kỳ cao điểm, chúng tôi có 16 ngàn lao động, 1 lao động đảm nhận 1 ha và khi hoàn tất công việc của mình CN có thể được nghỉ.

Việc giao khoán còn phát huy thế mạnh vì CN có thêm thời gian làm việc gia đình, tăng thu nhập. Như vậy, NLĐ không chỉ có lương mà còn có sản phẩm riêng nhờ chăn nuôi và trồng trọt. Giải pháp này được các đơn vị như Đồng Nai, Dầu Tiếng, Lộc Ninh… học hỏi và áp dụng.

– Ngành cao su hiện gặp không ít khó khăn do giá mủ xuống thấp. Với bề dày trên cương vị quản lý của mình, theo ông, giải pháp là như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Sao: Trong kinh doanh phải có lúc này lúc kia. Đặc biệt, cao su lại là mặt hàng nông sản phụ thuộc nhiều vào các ngành công nghiệp chế tạo trên thế giới, đặc biệt là ngành ô tô. Hơn nữa còn phụ thuộc nhiều vào giá dầu, cho nên lãnh đạo ngành cao su phải chủ động đối mặt với quy luật đó.

Hiện nay VRG nói chung cũng như Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long nói riêng đang tích cực giảm suất đầu tư, tiết kiệm chi phí; đẩy mạnh xen canh trong vườn cây cao su kiến thiết cơ bản, vận động CN làm thêm kinh tế gia đình để tăng thu nhập. Tôi cho rằng đây là những giải pháp phù hợp, là hướng đi đúng, cả về hiện tại, tương lai.

– Xin cảm ơn ông!

Ng. Cường (thực hiện)
Ảnh: Tùng Châu