CSVN – Trong dân gian chúng ta xưa nay vẫn có câu: “Thầy thông, ký lục, bạc chục chẳng màng. Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay”. Nghề thợ bạc từ xưa rất được trọng vọng và là mẫu chồng lý tưởng của các cô gái.
Thợ bạc ngày xưa
Ông Hồ Văn Quá, năm nay 76 tuổi, ngụ đường Cao Thắng, quận 10, TP.HCM từng có trên 50 năm hành nghề thợ bạc cho biết: “Hồi trẻ, làm món nữ trang nặng 1 lượng vàng hay bạc, chủ sẽ giao cho mình ít nhất 1,1 lượng. Nếu khéo tay, ngoài tiền công khá cao mình sẽ còn dư được từ 3-5 phân vàng, bạc từ số được khấu hao. Tất nhiên, nếu hao hụt quá mức ấy mình phải bù vào, nhưng việc đó dĩ nhiên rất khó xảy ra với những anh lành nghề. Cho nên, một thợ bạc giỏi nghề, mỗi tháng dư ra vài chỉ vàng là thường”.
Cũng vì vậy, ngày xưa, chi phí học nghề thợ bạc cũng khá cao. Nghe đâu mức “học phí” từ lúc mới “tầm sư nhập môn” cho đến lúc ra nghề được tính trên dưới 10 chỉ vàng 24k, có khi cao hơn! Rồi tùy theo năng khiếu, thời gian học nghề có thể từ một đến vài ba năm.
Việc đào tạo thợ bạc thường dưới hình thức “truyền nghề tại gia”. Thầy là thợ bạc, trò đến nhà hoặc tìm đến tiệm vàng của thầy để học. Khởi đầu học nghề thợ bạc thường thực hành mẫu nữ trang bằng chất liệu đồng đỏ hay bạc, sau đó mới được phép thực hiện trên vàng 24k hay 18k “thứ thiệt”. Nếu thấy học trò tiến bộ, khéo tay, có khi “sư phụ” sẽ trả tiền công cho mẫu nữ trang đó như là thợ bạc thực thụ. Vẫn theo lời ông Quá, thì việc truyền nghề thợ bạc cho học trò chẳng qua là người ta muốn gìn giữ, lưu truyền cái nghề truyền thống độc đáo này cho thế hệ con cháu.
Nghề của sáng tạo
Khoảng trên dưới 10 năm trở lại đây, kinh tế nước ta dần phát triển, tình trạng lạm phát được Chính phủ kềm chế, nghề kinh doanh vàng bạc phát triển, giá cả lên xuống theo thang độ của giá cả thế giới. Có lẽ vậy mà vàng bạc, đá quý nói chung không còn được nhiều người tập trung chọn lựa “mua làm của” hay “phòng thân” nữa, mà thông thường chỉ mua sắm dưới dạng nữ trang đeo chơi.
Chị Kim Hạnh, chủ một cửa hàng vàng bạc lớn ở đường Trần Quốc Thảo (Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: “Ngày nay, 80% khách hàng sắm vàng là dùng trang sức. Cho nên để cạnh tranh, ngoài chất lượng vàng bạc đúng tuổi, đúng lượng, chúng tôi luôn có kế hoạch đầu tư chế tác nhiều mẫu nữ trang mới lạ, hợp thời trang. Xu hướng khách hiện nay thích nữ trang chế tác từ vàng trắng (hợp kim vàng 24k và platin), mẫu nữ trang được ưa chuộng là các mẫu theo kiểu dáng châu Âu.
Anh Hùng, thợ bạc ở tiệm vàng Hùng Phát tại chợ Kim Biên (quận 5) lại cho rằng: “Thực lòng mà nói, các kiểu nữ trang ngày xưa đa phần mang đậm nét Á Đông cầu kỳ, tinh xảo và công phu. Chúng thật sự là tác phẩm nghệ thuật độc đáo, như các mẫu nữ trang: lắc da qui, vòng tay chạm rồng hay các hoa văn mai, lan, cúc, trúc… Nhưng do thị hiếu, ngày nay những kiểu gọi là kiểu dáng châu Âu chúng tôi có thể tạo tác ra hàng loạt và nhanh chóng lạc hậu!”.
Qua nhận xét của anh Hùng thì nghề thợ bạc ngày nay xem ra cũng dễ học hơn ngày xưa. Bởi lẽ, thợ bạc bây giờ ít chịu bỏ nhiều thời gian “cóc keng”, mài gò, đập giũa… từ A-Z để hoàn chỉnh một món nữ trang, mà họ thiên về chuyên trách một khâu nào đó trong qui trình chế tác một mẫu nữ trang như thợ bạc chuyên làm nguội, đánh bóng, cẩn nhận hột xoàn, đúc, chấm vảy hàn… Nói cách khác, thợ bạc bây giờ đang được “chuyên môn hóa” trong “công nghệ kim hoàn”.
Tuy nhiên, anh Mai Hòa, từng có trên 30 năm trong nghề thợ bạc, hiện là thợ bạc chuyên tạo mẫu nữ trang cho Công ty vàng bạc SJC TP.HCM nhận xét: “Tuy sản xuất nữ trang theo khuôn đúc, nhưng thợ bạc ngày nay nhất định không thể thiếu óc sáng tạo. Chẳng hạn như để tạo ra một khuôn đúc mẫu, chúng tôi phải bỏ thời gian cả tuần, có khi cả tháng để nghiên cứu mày mò chế tác hay mô phỏng kiểu dáng mẫu nữ trang chính bằng bạc, bằng sáp qua hình thức thủ công, nếu đạt chúng tôi mới ra khuôn. Và không phải món nữ trang nào cũng có thể thực hiện được từ khuôn đúc”.
Nguyễn Sinh
Related posts:
- Tác phẩm “Thu hoạch trên vườn cây xen canh” của tác giả Bùi Việt Hưng đạt giải Nhất Cuộc ...
- Tác giả nữ trẻ và những chuyến đi
- Vững tin vào hiện tại, mạnh mẽ trong tương lai
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Cao su Chư Păh: Thi đấu bóng bàn khối văn phòng
- Một Thanh Hiếu khác trong lục bát "Một mình"
- "Tập trung trên từng đường cạo"
- Lê Ngọc Trinh – trưởng thành từ nỗ lực tự lập nghiệp
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)