Trồng xen: Còn đó những băn khoăn

CSVN – Các hội nghị sơ kết về trồng xen trên đất cao su do VRG vừa tổ chức, đã khẳng định sự đúng đắn của chủ trương này. Đồng thời, kết quả đánh giá giai đoạn thử nghiệm cho thấy bước đầu việc trồng xen đã phát huy hiệu quả nhằm giải quyết bài toán “lấy ngắn nuôi dài”.
Trồng xen canh đậu xanh trên vườn cao su 1 năm tuổi tại Công ty CPCS Tây Ninh. Ảnh: Thế Trung
Trồng xen canh đậu xanh trên vườn cao su 1 năm tuổi tại Công ty CPCS Tây Ninh. Ảnh: Thế Trung

Nhưng trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán lao động, nhu cầu thị trường; vừa mang lại lợi ích về kinh tế – kỹ thuật trước mắt, vừa đảm bảo hiệu quả lâu dài và bền vững, là bài toán không hề đơn giản.

Số liệu thống kê của VRG cho biết, năm 2015, tổng diện tích trồng xen toàn VRG là 10.778 ha. Việc trồng xen tại các đơn vị đã có những thay đổi căn bản về quy mô, đa dạng về loại cây trồng, hình thức và khoảng cách trồng.

Tuy nhiên, cũng còn không ít băn khoăn về phương thức thực hiện. Đó là, việc hợp tác với các tổ chức, cá nhân trồng xen hoặc giao khoán cho người lao động phải phù hợp với quy định hiện hành về quản lý, sử dụng đất. Ai làm thì cũng chung mục tiêu là huy động tối đa nguồn lực để đảm bảo việc trồng xen hiệu quả, và hài hòa lợi ích đôi bên. Chỉ như vậy mới cụ thể hóa sự đúng đắn của chủ trương mà VRG ban hành. Đó là nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần giảm suất đầu tư, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp, cải thiện thu nhập cho người lao động.

Trong tình hình giá cao su ở mức thấp như hiện nay, việc có thêm một khoản thu từ trồng xen là rất cần thiết. Tuy nhiên, về lâu dài, sẽ phải có sự đánh giá, tính toán kỹ về hiệu quả sử dụng đất. Về vấn đề này, ông Phạm Văn Thành – Trưởng ban Kế hoạch-Đầu tư VRG, cho rằng định hướng lâu dài, nên quản lý công tác trồng xen như quản lý các cây trồng khác của Tập đoàn, tránh tình trạng tự phát, manh mún và chú trọng đến năng suất, hiệu quả kinh tế để tương xứng với việc sử dụng quỹ đất cũng như chi phí đầu tư trồng xen.

Đại diện Ban Quản lý-Kỹ thuật VRG cho rằng hiện nay việc trồng xen còn nhiều mô hình quản lý, tổ chức thực hiện khác nhau. Vì vậy cần có sự tập trung thống nhất; xem xét lại một số mô hình người trồng xen hưởng lợi nhiều nhưng phía công ty hưởng ít (chủ yếu là công làm cỏ). Mặt khác, chỉ có công nhân trực tiếp trồng thì mới chứng minh hiệu quả nâng cao thu nhập cho người lao động.

Từ các ý kiến nêu trên, Phó TGĐ Lê Xuân Hòe chỉ đạo các Ban chuyên môn rà soát và bổ sung những quy định phù hợp, hướng dẫn cho các đơn vị thực hiện trồng xen. Trong quá trình thực hiện phải có phương án cụ thể, phải hạch toán nguồn thu, chi trong hoạt động trồng xen… Cùng với đó, cần nhân rộng các mô hình, điển hình về trồng xen.

Chủ trương trồng xen mới được VRG ban hành năm 2015; quy mô diện tích trồng xen chưa lớn so với quỹ đất có thể khai thác; các công ty đang trong thời kỳ tìm tòi, thử nghiệm các mô hình, cách làm; hiệu quả trồng xen cũng chỉ mới phát huy bước đầu… Để khẳng định sự đúng đắn và hiệu quả thực chất của một chủ trương, cần thêm thời gian và kết quả thu được từ thực tiễn. Và trong quá trình thực hiện cần có sự điều chỉnh, giải quyết các bất cập, tồn tại để chủ trương đi vào thực tiễn một cách đúng đắn, hiệu quả.

P.V