VRG sẽ tiết giảm 313 tỷ đồng suất đầu tư trong năm 2016

CSVNO – Đây là thông tin của lãnh đạo VRG tại Hội nghị báo cáo tình hình quản lý suất đầu tư nông nghiệp từ năm 2015 đến thời điểm này và những giải pháp trong thời gian tới, được tổ chức ngày 1/7.

>> Tiết giảm suất đầu tư bằng nhiều giải pháp hợp lý

Tiết giảm suất đầu tư năm 2016 chủ yếu trong diện tích tái canh của các đơn vị Đông Nam bộ, Tây nguyên. Trong ảnh: Tái canh cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long. Ảnh: Ng. Cường
Tiết giảm suất đầu tư năm 2016 chủ yếu tập trung vào diện tích tái canh của các đơn vị Đông Nam bộ, Tây nguyên. Trong ảnh: Tái canh cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long. Ảnh: Ng. Cường

Với tổng diện tích trồng mới, tái canh năm 2015 được VRG thỏa thuận suất đầu tư với các đơn vị thành viên là 21.145 ha, thì tổng suất đầu tư năm 2015 của VRG giảm 812,4 tỷ đồng, giảm 35,65% so với năm 2014.

Trong đó, khu vực Tây Nguyên giảm nhiều nhất từ 80 triệu còn 73,1 triệu đồng/ha, (giảm 9,42%), Duyên hải miền Trung, Trung Lào từ 90 triệu còn 87,6 triệu đồng (2,69%), miền núi phía Bắc, Bắc Lào từ 115 còn 113,5 triệu đồng(1,35%), Campuchia từ 80 còn 79,83 triệu đồng(0,17%) và Đông Nam bộ từ 70 còn 69,93 triệu đồng (0,1%).

Các vườn cây trồng từ năm 2014 trở về trước, theo suất đầu tư đã được phê duyệt là 11.032 tỷ đồng, giảm 1.823 tỷ đồng (16,52%).

TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận chỉ đạo: “Suất đầu tư tối đa năm 2016 chủ yếu tác động đến các công ty khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên, là 2 khu vực có diện tích tái canh. Năm 2016 trồng mới rất ít. Từ kết quả và giải pháp tiết giảm suất đầu tư của năm 2015, suất đầu tư tối đa năm 2016 giảm từ 10,9% – 26,7% so với năm 2015 và tùy thuộc vào từng khu vực. Như vậy, dự kiến tổng suất đầu tư tiết giảm của VRG năm 2016 là 313 tỷ đồng. Các công ty cần phải chủ động, sâu sát và linh hoạt hơn nữa trong các biện pháp thực hiện tiết giảm suất đầu tư”.

Để thực hiện tốt tiết giảm suất đầu tư năm 2016, các đơn vị nên học hỏi những mô hình hay và hiệu quả lẫn nhau, như: phương pháp điều phối công lao động cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng lô cao su để kiểm soát cỏ dại hiệu quả. Áp dụng cơ giới hóa, hóa chất trong các khâu chăm sóc (bón phân, kiểm soát cỏ, phòng chống cháy cho vườn cây ở những khu vực có điều kiện). Chủ động cân đối và điều tiết phân bón hợp lý tùy theo mức sinh trưởng của cây… Tùy theo điều kiện thực tế của đơn vị để có giải pháp chăm sóc hiệu quả nhằm rút ngắn thời gian KTCB.

Ngọc Cẩm