Cao su Dầu Tiếng tổ chức hội thảo về TPP

CSVNO – Hơn 200 CBCNV Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng đã nghe Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan triển khai nội dung chuyên đề về TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) và tác động cùng các FTA (Hiệp định thương mại tự do) đối với doanh nghiệp Việt Nam, vào sáng ngày 17/6.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan triển khai nội dung tại hội thảo
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan triển khai nội dung tại hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Hoàng Sơn – Phó Tổng giám đốc công ty cho biết, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam là trong 12 nước thành viên Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức đạt được thỏa thuận nhằm mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Hiệp định TPP cũng mang lại nhiều thách thức đối với việc mở cửa thị trường, cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, của công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng nói riêng sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn về mặt kinh tế; đặc biệt, liên quan đến đời sống, lao động, việc làm, thu nhập của người lao động.

Hơn 200 CBCNV công ty dự hội thảo.
Hơn 200 CBCNV công ty dự hội thảo.

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, việc thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội của nước ta nhất là đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ đứng trước nhiều cơ hội và thách thức lớn. Việt Nam sẽ thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn, tăng khả năng xuất khẩu, tạo khuôn khổ để cải cách thể chế, đổi mới theo đường lối của Đảng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Song song đó, là những thách thức như tính cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải phát triển mạng lưới, năng lực tổ chức thị trường để cạnh tranh và phát triển sản phẩm.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có nhiều thách thức trong lĩnh vực cải cách thể chế để tăng tính cạnh tranh, thu hút đầu tư. Cơ hội không tự biến thành lợi ích, tuy nhiên tư duy sáng tạo sẽ mang lại những yếu tố cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp hiệu quả. Ngoài ra, Chính phủ sẽ phải cải cách cơ chế để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, đồng thời đảm bảo quyền lợi ba bên giữa người lao động – giới chủ và nhà nước, từ đó sẽ góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Tin, ảnh: Việt Quang