CSVN – Những ngày đầu mùa mưa cuối tháng 5, chúng tôi đến Nông trường (NT) Sông Giêng – đơn vị có diện tích vườn cây bị ảnh hưởng nhiều nhất của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận trong đợt nắng hạn kéo dài vừa qua. NT có tổng số trên 5.000 cây cao su kinh doanh chết do nắng hạn, trong khi đó, sản lượng năm nay được giao 2.200 tấn mủ. Theo nhận định, NT khó có thể hoàn thành kế hoạch bởi thiên tai.
Khó vững chân trong CLB 2 tấn năm nay
NT Sông Giêng quản lý tổng diện tích 1.348 ha cao su. Trong đó diện tích cao su khai thác là 1.202 ha, diện tích cao su KTCB 147 ha. Năm 2015, sản lượng nông trường khai thác được 2.504 tấn/2.200 tấn kế hoạch, đạt tỷ lệ 106,4 %. Năng suất bình quân 2,06 tấn/ha. Đây là năm thứ 4 liên tiếp nông trường nằm trong CLB 2 tấn. Tại thời điểm này, (cuối tháng 5/2016), trên NT mưa chỉ đến mới 10 ngày, hiện vườn cây vẫn chưa được đưa vào khai thác.
Đứng trước vườn cây bị khô cành, chết ngọn, ông Hồ Minh Đức – Giám đốc NT Sông Giêng, chia sẻ: “Trong thời gian từ tháng 1 đến cuối tháng 5, do tình hình thời tiết nắng nóng, gió hanh khô, đã làm khô cành chết ngọn vườn cây khai thác, KTCB. Chưa năm nào thời tiết khô hạn lại kéo dài như năm nay, những năm trước vào mùa khô một số cây mới trồng cũng bị héo rũ do thiếu nước, nhưng tỷ lệ rất ít”. Cao su vốn là cây chịu hạn rất tốt vậy mà cũng không chống chọi nổi với nắng hạn gay gắt những tháng qua. Nhằm giúp cây cao su chống đỡ với thời tiết khắc nghiệt, NT đã cho quét vôi chống nắng, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, nếu nắng nóng, khô hạn kéo dài thì cũng khó xử lý.
Ông Đức cho biết thêm, “Những năm trước đây, chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để nuôi dưỡng cây, khai thác đúng quy trình kỹ thuật, phòng chống bệnh và bảo vệ sản phẩm mủ trên lô… Nhưng năm nay có đến 19.145 cây cao su khai thác bị thiệt hại và 34 ha cao su ngừng chăm sóc KTCB, nông trường khó giữ vững CLB 2 tấn và khó hoàn thành kế hoạch công ty giao”.
300 ha ngừng khai thác
Chia sẻ về kế hoạch trong năm 2016, Giám đốc Hồ Minh Đức cho biết: “Năm nay, nông trường mở miệng cạo 900 ha và ngưng khai thác 300 ha để theo dõi. Một số vườn cây bị chết hẳn bắt buộc chúng tôi phải thanh lý. Vì vậy, nông trường đang kiến nghị công ty xem xét giảm bớt kế hoạch sản lượng trong năm nay”. Vườn cây ngưng khai thác kéo theo hàng trăm công nhân chưa thể đi cạo dù đang bắt đầu vào mùa cạo mủ. Đây không chỉ là trăn trở của ban lãnh đạo Nông trường Sông Giêng mà còn của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận.
Anh Bùi Ngọc Vĩnh – công nhân khai thác đội 2, NT Sông Giêng, chia sẻ: “Năm ngoái vườn cây khai thác đã yếu, năm nay nắng hạn kéo dài làm thiệt hại diện tích lớn. Mỗi lần đi ngang vườn cây bị chết khô là tôi xót lắm! Tôi làm công nhân cao su đã 19 năm, nhưng chưa năm nào thấy vườn cây bị thiệt hại nặng nề đến vậy”.
Tuy nhiên anh Vĩnh vẫn quả quyết trước tình hình khó khăn: “ Cây cao su đã gắn bó với người dân Tánh Linh chúng tôi, dù giá cao su có giảm, dù vườn cây bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhưng tôi sẽ luôn gắn bó với cây cao su”. Trước tình hình này, theo ông Phạm Nguyên Khang – Phó TGĐ công ty, với kế hoạch toàn công ty 6.300 tấn năm 2016 cũng khó đạt, công ty cũng sẽ kiến nghị VRG điều chỉnh giảm sản lượng.
Ngọc Cẩm
Related posts:
- Công ty CP cao su Tây Ninh: Tập huấn phương pháp sản xuất tinh gọn - Lean
- Nghiêm túc thực hiện phòng chống cháy tại các dự án cao su Campuchia
- Ban hành 4 Tiêu chuẩn chế biến cao su
- Cảnh báo bệnh rụng lá Pestalotionpsis trên vườn cây cao su
- Cơ giới hóa - yếu tố then chốt giúp tăng năng suất, chất lượng vườn cây
- Giống cây trồng phải được bảo hộ
- Nhiều quốc gia điển hình trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên thế giới
- Bệnh rụng lá Pestalotiopsis bùng phát trở lại tại Thái Lan
- "Chủ nhà" Dầu Tiếng ráo riết chuẩn bị
- Băn khoăn trồng xen cao su lấy gỗ - mủ trên địa bàn Tây Nguyên