CSVN – “Văn Bắc, báo Nam”, đó là câu nói mà ai trong làng báo cũng đều biết. Với những người làm báo ở các địa phương phía Bắc thì câu nói ấy càng trở nên rõ hơn mỗi khi cầm trên tay các tờ báo, tạp chí từ miền đất phương Nam. Thế nhưng, để trực tiếp cảm nhận không khí báo chí ở phương Nam thì không phải ai cũng có được.
May mắn đến với tôi khi trở thành cộng tác viên (CTV) của Tạp chí Cao su VN. Nhiều năm liền gắn bó với cây cao su nơi miền đất lạ Hà Giang, Tạp chí đã giúp tôi trở thành một thành viên trong “ngôi nhà” báo chí của ngành cao su này. Đó cũng thực sự là một niềm hạnh phúc của người làm báo ở một tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn như Hà Giang, khi được hội nhập, mở mang thêm tầm nhìn đối với nghề báo, đặc biệt là miền đất phương Nam, nơi có những rừng cao su đậm sức sống.
May mắn hơn nữa khi Tạp chí nói riêng và VRG đã tạo điều kiện để cho một số CTV trong cả nước có sự gắn kết với người và cây cao su, được một dịp vào với Sài Thành nhân dịp kỷ niệm 90 năm, ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2015). Trong hành trình một ngày, một đêm “siêu tốc” từ miền địa đầu Tổ quốc, tôi đã có mặt tại thành phố HCM. May mắn hơn khi từ đầu hành trình, một “người đẹp” của Tạp chí là phóng viên Quỳnh Mai liên tục hỏi xem tôi đã đi đến đâu và khi đến Tòa soạn ở đất Sài Thành, khi đang “lạc” giữa gác một, gác hai “đầy khó hiểu” thì Quỳnh Mai cũng đã kịp “phát hiện” ra tôi. Cái chất giọng “chiếc áo bà ba” ấy có lẽ sẽ làm tôi nhớ mãi mỗi khi nghĩ về miền Nam.
“Ngày hội” báo chí ở đất Nam trong dịp kỷ niệm 90 năm, ngày Báo chí Cách mạng VN cũng thật đặc biệt. Dù là một tạp chí ngành, nhưng cách Tạp chí CSVN tổ chức sự kiện với sự quy tụ của rất nhiều đại diện các cơ quan báo chí, đại diện Ban Tuyên giáo T.W, Hội Nhà báo VN… Qua đó, thể hiện được sự quan tâm của ngành cao su, của Tạp chí CSVN với những người làm báo và ngược lại.
Lần đầu được về với Tạp chí CSVN, trong ngôi nhà chung, theo cảm nhận của tôi là một sức sống miền Nam nhưng mang hơi ấm miền Bắc, khá tình cảm. Rất nhiều lần tâm sự với anh Phi Long, Phó Tổng biên tập Tạp chí và nhiều anh em của tòa soạn qua điện thoại, nhưng khi gặp trực tiếp lại thấy tình cảm, gần gũi hơn. Đó có lẽ là tính cách sống, bản sắc của người cao su, chân thành, mộc mạc. Thân mật hơn, trong không khí “ngày hội” giữa đất Sài Gòn không chỉ là của những người làm báo mà còn là cuộc hội ngộ, giao lưu đầy tình cảm của những người công nhân trực tiếp từ các lô cao su, họ là những CTV thân tín với Tạp chí.
Giữa Sài Gòn hoa lệ, được cảm nhận không khí báo chí của miền đất phương Nam, đó là một chuyến đi thực sự bổ ích sau mười mấy năm làm báo của tôi. Những tình cảm mà chị Tú Anh, anh Phi Long và các anh chị em trong tòa soạn dành cho cánh én phương Bắc, giúp tôi cảm thấy ấm lòng. Từ đó, giúp cho những người làm báo ở miền đất lạ phương Bắc như chúng tôi thêm yêu người và cây cao su, đồng thời tiếp tục gắn bó, đồng hành với những nỗ lực vượt lên của cây cao su trên vùng đất Bắc.
Huy Toán (Báo Hà Giang)
Related posts:
- Báo Xuân xưa
- Ảnh đẹp Đất nước - Con người Việt
- "Sống chậm" ngày cách ly
- Ấm áp nghĩa tình trong khu cách ly Cao su Hoàng Anh Mang Yang - K
- 125 năm cây cao su ở Việt Nam: Nguồn vốn người Pháp trồng cao su
- Nguyệt thực - Bộ phim hay về chủ đề báo chí
- Lạc quan trước mùa cạo mới
- Trên 400 vận động viên tham gia Hội thao quốc phòng Binh đoàn 15 lần thứ XIII
- Điểm cao dành tặng mẹ
- Xí nghiệp Chế biến đạt giải nhất Hội thao Cao su Đồng Nai