Nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể khi tham gia TPP

CSVN- Vừa qua tại TP.HCM, CĐ Cao su VN tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể và vai trò của tổ chức CĐ khi VN tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Chủ tịch CĐ CSVN hỏi thăm người lao động Campuchia.
Chủ tịch CĐ CSVN hỏi thăm người lao động Campuchia.

Đối tượng tập huấn là Trưởng, phó các Ban của CĐ Cao su VN; Chủ tịch và Phó Chủ tịch CĐ các đơn vị khu vực miền Đông, miền Trung, Tây Nguyên và TP.HCM. Nội dung tập huấn bao gồm: Những nội dung và nguyên tắc cơ bản của Thỏa ước lao động tập thể; vai trò của tổ chức CĐ khi VN tham gia TPP.

Theo cam kết trong Hiệp định TPP, riêng VN sẽ có thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, tức là khoảng bảy năm kể từ khi ký Hiệp định, các tổ chức của người lao động (NLĐ) ở cấp cơ sở có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của NLĐ ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch. Tôn chỉ, mục đích, trình tự, thủ tục thành lập và phương thức hoạt động của các tổ chức của NLĐ ở cấp cao hơn cũng phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định của pháp VN và không trái với các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Với thời gian chuẩn bị này, đây là cơ hội để CĐ VN đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, hoàn thiện hệ thống pháp luật và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, bảo vệ tốt nhất quyền lợi chính đáng của người lao động.

Tại buổi Báo cáo chuyên đề về “Những cơ hội và thách thức khi Việt Nam ký kết và thực thi Hiệp định TPP” tổ chức vào cuối năm ngoái, Vụ trưởng Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái nhấn mạnh: “Cơ hội mà TPP mang lại cho VN là tương đối lớn, tuy nhiên cũng sẽ có không ít thách thức đối với NLĐ và tổ chức CĐ. Không loại trừ khả năng doanh nghiệp đình đốn sản xuất ở những lĩnh vực kém cạnh tranh: nông nghiệp, sắt thép, ô tô… Điều này dẫn tới nguy cơ mất việc làm cho NLĐ”.

Còn Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Mai Đức Chính, thành viên trực tiếp tham gia phái đoàn đàm phán của VN, nhận định: “Nếu CĐ hoạt động thật sự hiệu quả, mạnh dạn đấu tranh, nói lên được tiếng nói, những bức xúc chính đáng của NLĐ, thì các tổ chức của NLĐ mới ra đời sẽ gia nhập vào tổ chức CĐ VN, tạo thêm sức mạnh cho tổ chức CĐ VN. Ngược lại, nếu CĐ hoạt động hời hợt, không hiệu quả, không đấu tranh cho quyền lợi của NLĐ hoặc đấu tranh không hiệu quả, các tổ chức của NLĐ mới ra đời sẽ không gia nhập CĐ VN. Họ sẽ tự liên kết để bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Khi đó, chắc chắn tổ chức CĐ hiện tại chỉ là hình thức, không có sức mạnh thật sự. Đây là thử thách vô cùng lớn”.