CSVN – Với thâm niên 25 năm làm công nhân (CN) cao su, trong đó có 18 năm khai thác mủ, ông Nguyễn Văn Phan – nguyên là CN Đội 5, Nông trường Thống Nhất – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông luôn trân trọng nghiệp cao su đã giúp ông từ 2 bàn tay trắng trở thành một người khá giả trong thôn.
Nghỉ hưu được 2 năm, với bản tính hết mình với công việc, nhiệt tình giúp đỡ người khác và được lòng nhân dân trong vùng nên ông chính quyền địa phương tin tưởng, bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Trên cương vị mới, ông quản lý, gần gũi 34 hộ với tổng số trên 100 nhân khẩu.
Ông chia sẻ: “Ngày xưa, thời chúng tôi làm tuy đồng lương ít, nhưng bù lại còn có ruộng, có vườn có nơi nuôi con lợn, con gà. Khó khăn mấy cũng xoay sở được bữa cơm. Còn bây giờ các cháu CN trẻ không phải ai cũng có kinh tế gia đình. Tôi thương các cháu lắm, nên mỗi khi gặp hay họp tổ dân phố tôi đều động viên anh em hãy cố gắng, hãy trân trọng và gắn bó với nghề thì khó khăn nào rồi cũng sẽ vượt qua”.
Năm 1990, khi vừa từ quê hương Ý Yên – Nam Định vào đất Chư Prông lập nghiệp, ông được nhận vào chăm sóc của Đội 5. Chưa có khái niệm về cây cao su, chưa rõ công việc chăm sóc như thế nào, nhưng bằng quyết tâm vượt khó, ông đã ra sức học hỏi những người đi trước, cán bộ kỹ thuật… 7 năm chăm sóc cao su, rồi ông cũng được trở thành người CN khai thác.
Năm 1997 cũng là năm Đội 5 của ông đăng cai Hội thi thợ giỏi cạo mủ cao su. Ông kể: “Năm đó ngành cao su chọn Đội 5 của NT Thống Nhất – Công ty Cao su Chư Prông đăng cai Hội thi thợ giỏi. Thời đó hội thi được chia ra làm 2 khu vực là miền Trung – Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Năm đầu tiên tôi làm CN khai thác và cũng được công ty chọn đi dự thi thợ giỏi cạo mủ, mừng lắm nhưng cũng rất lo lắng. Kết quả cuối cùng, đội chúng tôi đạt giải khuyến khích, đồng nghiệp Dương Văn Độ của chúng tôi đạt giải nhất, bây giờ gọi là Bàn tay vàng, bản thân tôi cũng có được thành tích nhưng không cao”.
Sau năm đó, ông được bầu làm Chủ tịch Công đoàn bộ phận, làm suốt 12 năm. Ông tâm sự, “Đây là khoảng thời gian tôi gần gũi với nhiều người hơn, tôi đã được anh chị em chia sẻ những tâm tư tình cảm, những vui buồn khó khăn trong cuộc sống… Những lúc như thế, tôi chia sẻ với anh chị em CN đồng nghiệp rằng mình vào đây với 2 hai bàn tay trắng, gầy dựng sự nghiệp từ con số không, nên cần phải biết quý trọng công việc, lại càng cần gắn bó bởi nghề cạo mủ đã giúp nuôi sống và giúp mình thoát nghèo. Hôm nay có đồng lương hưu mới thấy giá trị của việc gắn bó lâu dài với công việc, với nghiệp cao su”.
Dù nghỉ hưu, nhưng với cương vị Trưởng thôn ông vẫn liên hệ mật thiết với đội sản xuất cao su bởi theo phương châm hoạt động của công ty là Đội gắn với thôn, làng. Vì thế, thông tin về tình hình cao su ông luôn được lãnh đạo các đơn vị trên địa bàn cung cấp, thường xuyên họp với các đội để nắm tình hình. Ông cho hay: “Biết làm cao su là vất vả lắm, nhất là trong lúc tình hình giá cả xuống thấp, nhiều anh em có tâm lý dao động muốn nghỉ để kiếm một công việc khác có thu nhập tốt hơn. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi đã lồng ghép công tác tuyên truyền vận động anh chị em ở lại với cao su, với nghề mình đã chọn trong những lần họp thôn. Bản thân tôi rất mong muốn mọi người một lòng gắn bó với nghề cạo mủ”.
Bài, ảnh: Văn Vĩnh
Related posts:
- "Con người là nhân tố quan trọng và then chốt"
- Vinh dự, tự hào khi đạt giải nhất Hội thi
- Tự hào là công nhân khai thác mủ
- Bàn tay vàng cao su Phước Hòa nhiều năm liền dẫn đầu về sản lượng
- Người gắn bó với 1 chu kỳ cây cao su
- Chuyện tờ tiền lẻ
- Khi lao động chủ động đến "đầu quân"
- Lương Duy Đức - Sáng kiến tận thu từng giọt mủ
- Cán bộ trẻ đồng bào dân tộc: Khi năng lực được khẳng định
- Chưa bao giờ suy nghĩ sẽ nghỉ làm công nhân