Khoán chi phí – Giải pháp tối ưu để hạ giá thành

CSVN – Trong cuộc họp Hội đồng giá bán mủ cao su gần đây, Ban Tài chính kế toán VRG đã đánh giá cao công tác xây dựng giá thành của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, khi công ty là đơn vị có giá thành sản phẩm thấp nhất VRG với 24,3 triệu đồng/tấn. Điều gì khiến một đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên với trên 60% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, lại có giá thành thấp nhất, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Tánh – TGĐ công ty.
Ông Lê Đức Tánh TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh:
Ông Lê Đức Tánh – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh

 Xin ông cho biết công ty đã có những biện pháp gì để có thể hạ giá thành xuống mức 24,3 triệu đồng/tấn, mức thấp nhất trong các thành viên VRG?

Ông Lê Đức Tánh: Trước khi có cuộc họp của Hội đồng giá VRG, tôi cũng không biết rằng Công ty Chư Păh là đơn vị có giá thành sản phẩm thấp nhất Tập đoàn. Đây là điều khá ấn tượng bởi Chư Păh là một trong những đơn vị sử dụng công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất ngành, với tỷ lệ trên 60% tổng số lao động. Mặt khác, năng suất vườn cây của công ty chỉ đạt trên 1,3 tấn/ha.

Từ thực tế này, chúng tôi quyết định thực hiện cơ chế khoán chi phí cho các đơn vị, phòng ban. Công việc này được thực hiện từ công nhân cạo mủ đến lãnh đạo, việc quản lý, vận chuyển và chế biến mủ cũng được thực hiện bằng phương án khoán. Nhờ đó công tác chống thất thoát sản phẩm và thực hành tiết kiệm của người lao động được chú trọng. Nói như vậy để thấy rằng công tác điều hành, quản lý theo phương án khoán là hết sức quan trọng.

Ngay từ đầu năm chúng tôi đã có những cuộc họp trong Ban TGĐ và đi đến quyết định là khoán chi phí cụ thể đến từng nông trường, đơn vị trực thuộc cũng như các phòng ban trong công ty. Những năm trước, chỉ tính chi phí quản lý của các phòng ban công ty xấp xỉ 200 triệu, thì năm nay 15 đơn vị phòng ban chỉ có 80,5 triệu đồng. Chúng tôi đã khoán chi phí chế biến cho nhà máy để chế biến một tấn sản phẩm chỉ có 2,8 triệu đồng/tấn, thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của Tập đoàn là trên 3 triệu đồng/tấn.

Công tác quản lý xăng xe, văn phòng phẩm hay chi phí đi công tác, tiếp khách… cũng được quản lý chặt chẽ để đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, nhiều năm nay công ty cũng không xây dựng công trình nhà xưởng gì ngoại trừ văn phòng công ty, cơ sở hạ tầng của công ty cũng đã ổn định, các công trình đều không xây mới mà chỉ sửa chữa, tu bổ nên cũng góp phần tích cực vào việc hạ giá thành sản phẩm.

Việc hạ giá thành xuống mức thấp ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống người lao động, thưa ông?

 Ông Lê Đức Tánh: Đương nhiên khi giá thành ở mức thấp thì sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Ngoài những định mức không thể thay đổi cho vườn cây theo quy định của VRG như bón phân, phun thuốc… các hoạt động khác chúng tôi đều khoán cho đơn vị trực thuộc. Từ đó cơ sở sẽ điều tiết, tính toán và chi tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế đơn vị mình.

Tuy vậy, một số hoạt động từ thiện xã hội vẫn được công ty duy trì, điển hình như mùa khô năm nay công ty đã chi khoảng 400 triệu đồng để hỗ trợ cứu đói cho bà con trên địa bàn, hỗ trợ xe bồn để phục vụ công tác chống hạn, chống cháy cho địa phương. Đối với người công nhân, công ty vẫn cố gắng hết mức để duy trì và đảm bảo công ăn việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động toàn công ty với mức lương bình quân xấp xỉ 5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, vào các ngày lễ, dịp Tết công ty đều có thưởng cho người lao động. Rõ ràng, việc khoán chí phí quản lý đến từng phòng ban, nông trường, xí nghiệp và siết chặt quản lý đã phát huy được hiệu quả.

 Văn Vĩnh (thực hiện)