CSVN – Ở Đội 12 NT Tân Hưng, Công ty CPCS Phước Hòa có nhóm nữ công nhân (CN) đến từ dải đất miền Trung đầy gian khó, tụ hợp về đây để xây dựng tương lai. Ở họ có một điểm chung là chịu thương chịu khó, không ngại khổ, càng khó thì sự nỗ lực càng cao và quyết tâm gắn bó với nghề.
Đa số các chị còn trẻ nhưng đã có bề dày công tác, người ít nhất cũng từ 10 năm gắn bó với công việc cạo mủ. Dù công việc vất vả nhưng với họ, đó là cuộc sống mưu sinh, là tương lai cho con cái, lấy đó làm động lực phấn đấu lao động nghiêm túc hơn.
Trong số đó có chị Hoàng Yến, dáng người nho nhỏ nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát, chuyện trò sôi nổi. Chị Yến chia sẻ, đến nay chị đã có hơn 15 năm làm CN cạo mủ. Công việc khó nhọc nhưng đó là niềm vui hàng ngày của chị, quen với việc dậy sớm và về trễ do đặc thù riêng của ngành cao su. Nhờ luôn thực hiện tốt các quy định, quy trình kỹ thuật cạo mủ, ngày công đầy đủ nên sản lượng năm nào chị cũng đạt, vượt kế hoạch được giao.
Chị đã “thu được” khá nhiều thành tích, bằng khen, giấy khen của công ty và của Tập đoàn vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác. Không chỉ giỏi trong nghề cạo mủ, một thời chị Yến còn là một vận động viên điền kinh của công ty tham gia các giải thi đấu trong tỉnh Bình Dương và đạt nhiều thành tích.
Nổi bật nhất là năm 2003, chị đã đạt giải nhì cá nhân hội thi Việt dã “Thanh niên khỏe” do Tỉnh Đoàn Bình Dương tổ chức. Làm CN cao su, chị Yến cùng các đồng nghiệp cũng đã trải qua những thời điểm thăng trầm do giá mủ ngày càng giảm sâu, ảnh hưởng đến thu nhập, tác động lớn đến đời sống gia đình.
Tiền lương giảm, con cái học hành ngày mỗi lớn nên phải chắt chiu lo cho tròn là cả một vấn đề cần toan tính. Ấy vậy mà chị và các đồng nghiệp vẫn luôn có những suy nghĩ tích cực, vẫn hy vọng đến thời điểm nào đó giá mủ phục hồi thì cuộc sống của CN sẽ đỡ chật vật hơn.
Hầu hết các chị đều có chung suy nghĩ và bày tỏ “thật tình cũng có khi nản lòng” nhưng rồi nghĩ lại đây là nơi đã gầy dựng cho mình cuộc sống, là điểm tựa trong mưu sinh, nơi mình trưởng thành nên các chị và đồng nghiệp khác cùng vận động, động viên nhau gắn bó với nghề, cùng chia sẻ khó khăn để vượt qua giai đoạn này. Nhớ ngày đầu mới vào làm CN cao su, con nhỏ, khó khăn chồng chất, lại chưa quen với việc đi làm sớm.
Vất vả là vậy mà còn bám trụ được thì hiện tại có là gì, dù có khó khăn hơn nữa thì cũng sẽ cố gắng gắn bó với nghề cho đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ. Qua tiếp xúc, chúng tôi cảm nhận được họ là những con người luôn gắn bó và hết mình vì công việc, sống tình nghĩa, lấy động lực vượt khó tạo niềm vui qua từng ngày làm việc trên lô.
Trong thời điểm khó khăn như thế này, giá như những người CN cạo mủ khác cũng có suy nghĩ và tình nghĩa như chị Yến và các đồng nghiệp thì ngành cao su sẽ bớt đi một nỗi lo về lao động nghỉ việc.
Thuận Nguyễn
Related posts:
- Nhiệt huyết của người thầy trên cao su miền núi phía Bắc
- Mạch nguồn chảy mãi
- Bàn tay vàng cao su Phước Hòa nhiều năm liền dẫn đầu về sản lượng
- Vinh danh tập thể, cá nhân có đóng góp đặc biệt xuất sắc
- Làm cán bộ Công đoàn phải có cái tâm
- Đậu Văn Thao - Tấm gương trong lao động sản xuất
- Xuân xa quê vì nhiệm vụ
- Điểu Sít không ngại khó
- Công nhân ưu tú ở nông trường Bến Củi