CSVN – Vào thập niên năm 1980, vợ chồng tôi theo tiếng gọi của Nông trường Cao su Ia Nhin (còn gọi Ninh Đức- Gia Lai) làm công nhân, được sự giúp đỡ tận tình của chú Nguyễn Văn Nhi – Phó phòng Tổ chức và anh Sơn (còn gọi là Sơn Bé Anh) vợ chồng tôi được phân công về Đội sản xuất số 5.
Đội 5 nằm trên một ngọn đồi cao cao, còn gọi là đồi chuối, vì đồi này chuối rừng rất nhiều, cách nông trường khoảng 5 km, do bác Nguyễn Văn Định làm Đội trưởng. Đội 5 lúc bấy giờ có khoảng 40 công nhân sản xuất, chuyên trồng mới và chăm sóc cao su con, đội được 6 nóc nhà tranh vách đất cho tập thể và hộ gia đình ở, có 2 cái giếng nước, 1 cái có bộ phận quay, 1 cái thì kéo bằng tay với sợi dây điện to bằng ngón tay trỏ. Tây Nguyên hai mùa mưa và nắng, mùa mưa trời đất sụt sùi, nước xài vô tư, còn khi tới mùa nắng thì khô hạn vô cùng, chỉ vì Đội 5 nằm trên một ngọn đồi nên sự khô hạn thường đến trước hơn hết so với 8 đội khác.
Cứ mỗi sáng, từ 4 giờ, tôi thường tranh thủ dậy sớm ra giếng kéo nước, ngặt nỗi cái giếng có bộ phận quay lại khô hạn hết nước trước, nên 40 công nhân phải dùng cái giếng kéo bằng tay, mà cái giếng nó sâu đến 20 mét chứ không ít, thế mà chỉ múc được khoảng 2 thùng, mỗi thùng 10 lít là hết nước và phải chờ vài tiếng sau nước mới có lại. Nói về kéo nước nghe đơn giản nhưng đau tay vô cùng, bởi cuộn dây kéo lâu ngày bị bong tróc, nó lòi mấy lõi thép, nên khi kéo thường hay bị lõi này đâm thủng da tay, đau buốt, nhói tận tim. Thế nhưng chẳng ai dám buông tay thả gàu, đau cũng phải cố mà kéo gàu lên, cứ như thế qua hết 6 tháng mùa khô, đôi tay rất nhiều vết xước, chai sần lên thấy rõ. Mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn còn thấy nhói đau.
Rồi đến lúc giếng cũng cạn khô, trơ đáy, không còn giọt nước nào nữa, anh em cứ chiều chiều rủ nhau đi xuống suối của bà con dân tộc tắm giặt rồi gánh nước về, quãng đường vừa đi vừa về khoảng 10 km. Mỗi ngày như vậy chỉ đi lấy nước có một lần một đôi, dùng cho ăn uống, còn tắm giặt thì xuống suối. Nhìn mùa khô đi qua, bụi đường đất đỏ mịt mù, những cơn gió lốc cuộn màu đất bazan cao thành ống khói lên trời, thế mà rừng cao su vẫn xanh tốt, công nhân chăm sóc đều đặn, không nghỉ ngày nào, cùng nhau phát quang xung quanh bờ lô để chống cháy, hoàn thành công việc của nông trường đề ra.
Mùa khô cũng là mùa vào rừng hái xoài xanh thái nhỏ phơi khô để dành làm mắm. Không có nước để trồng rau tăng gia sản xuất, anh em lại lặn lội ra bờ lô hái rau rừng về nấu canh; chặt chuối cây thái nhỏ luộc chấm với nước muối, ăn với những con mắm khô nông trường phân phối; mùa khô cũng là mùa công nhân tranh thủ đội nắng cháy da cuốc rẫy chờ mưa xuống gieo lúa tăng gia…
Tôi còn nhớ một đêm trăng sáng, ông Võ Văn Chấp làm y tá đội ra bờ lô cuốc cả đêm không biết mệt, nhiệt huyết của tuổi trẻ tuôn trào, khí thế làm việc hăng say, không quản ngại khó khăn, gian khổ. Năm vừa rồi tôi có về thăm lại nông trường ấy, giờ đã thay đổi rất nhiều, cao su bạt ngàn xanh ngút mắt, cà phê xa tít tận chân trời, tất cả đều phát triển, nhưng mùa khô thì vẫn vậy, thiếu nước và khát nước đến vô cùng! Vâng! Kỷ niệm một thời gian khó không thể nào quên trên Nông trường Cao su Ia nhin, mỗi lần nghĩ về nó trong tôi lại trào dâng bao cảm xúc lâng lâng…
Nguyễn Dũng