Cao su đổi phận đất nghèo

CSVN – Từ những ngày đầu trồng thí điểm vài hecta, sau hơn 6 năm, cây cao su mở rộng hơn 919,53ha và trở thành cây “chiến lược” tiếp tục vươn lên cắm rễ ở nhiều địa phương thuộc huyện miền núi Nông Sơn (Quảng Nam). Lứa cao su đang xanh tốt, mượt mà hứa hẹn sẽ đem lại nhiều nguồn lợi, phục vụ đời sống dân sinh.

>> Cao su Quảng Nam: Mở miệng cạo 100 ha tại Nông Sơn

CB kỹ thuật NT Nông Sơn (Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam) trong những ngày đầu ươm mầm xanh cao su. Ảnh: N.K
CB kỹ thuật NT Nông Sơn (Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam) trong những ngày đầu ươm mầm xanh cao su. Ảnh: N.K
Bạt ngàn vườn cao su

Các xã nghèo của huyện Nông Sơn như Quế Lâm, Phước Ninh giờ đây bạt ngàn cây cao su sau 6 năm bén rễ. Thực tế những năm qua cho thấy, cây cao su hoàn toàn thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện tự nhiên và ngày càng được mở rộng lên các vùng rừng núi phía Tây của huyện. Đứng trước những vườn cao su xanh tốt, không ai nghĩ cách đây 6 năm, nơi đây là những dãy đồi núi hoang vu, ít người qua lại.

Nói đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện, ông Trần Thiện Thắng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn nhận xét: “Trước kia, người dân sống chủ yếu dựa vào cây mía, cây sắn, sau này đến cây keo lá tràm. Từ khi cây cao su được đưa vào trồng không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho khoảng 368 lao động mà còn kích thích người dân địa phương đầu tư phát triển cây cao su tiểu điền”.

Qua hơn 6 năm triển khai, đến nay nông trường (NT) Nông Sơn đã khai hoang, trồng và chăm sóc hơn 919,53/1.300 ha cao su trên địa bàn 2 xã Phước Ninh và Quế Lâm. Đây là con số không lớn so với các NT khác, nhưng là bước đột phá đối với NT sinh sau đẻ muộn này. Và để thực hiện tốt các kế hoạch khai thác nói trên, ngay từ đầu, lãnh đạo NT đã tiến hành tổ chức hội nghị quán triệt các nội dung tư tưởng về các chủ trương, chính sách trong sản xuất, kinh doanh đối với CNV và NLĐ. Tổ chức thực hiện công tác chăm sóc vườn cây, các khâu kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh… bố trí lại lực lượng lao động cho phù hợp với từng thời điểm, địa bàn.

Chỉ đạo các tổ chức, quần chúng trong đơn vị phát động các phong trào thi đua lao động sáng tạo trong sản xuất. Kết hợp với chính quyền địa phương các xã làm tốt công tác bảo vệ vườn cây. Anh Huỳnh Đức Hùng – một công nhân cho biết: “Những CNLĐ ở NT Nông Sơn chính là những người nông dân chân lấm tay bùn của địa phương. Đội ngũ CN này ngày đêm cùng với NT bám vườn cây, nhờ đó đời sống bắt đầu đổi thay và vườn cây cao su ngày càng xanh tốt”.

Triển vọng thoát nghèo

Phát triển cây cao su đang là hướng đi đúng đắn của huyện Nông Sơn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần giảm tỉ lệ đói nghèo, làm cơ sở xây dựng nông thôn mới. Cây cao su đang phát triển thuận lợi, hứa hẹn một tương lai sáng với loại sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao, tăng nguồn thu cho địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc, giúp đổi đời cho bao người dân vùng dự án này.

Ông Lê Đức Thịnh – Bí thư Đảng ủy xã Quế Lâm cho biết: “Cây cao su là cây có giá trị kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác. Việc triển khai trồng cây cao su thành công sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế rừng. Với thế mạnh về kinh tế rừng, chắc chắn đời sống nhân dân sẽ có những chuyển biến tích cực”. Sau hơn 6 năm, toàn bộ diện tích vườn cây cao su trên 919,53 ha (trong đó cao su đại điền là 840,61 ha và cao su tiểu điền là 78,92 ha) đã được định hình, vươn lên xanh tốt như khẳng định công sức của bao năm tháng vất vả của lớp CBCNV NT Nông Sơn đã được đền đáp.

Giờ đây, cây cao su phát triển thuận lợi sẽ góp phần tăng nguồn thu cho địa phương, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động tại chỗ, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp về sự đổi thay của vùng bán sơn địa Nông Sơn một thời “núp bóng”.

Thu Đặng – Tâm Lê