CSVNO – Khi Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản VPA/ FLEGT có hiệu lực,Việt Nam sẽ áp dụng một hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp và cấp phép FLEGT chứng nhận tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU.
Ngày 18/5, VRG tổ chức buổi tập huấn về kiến thức FLEGT và quy chế gỗ liên minh châu Âu EU.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Phó TGĐ VRG Nguyễn Văn Tân yêu cầu các đơn vị thành viên Tập đoàn phải xúc tiến triển khai việc tham gia xây dựng bộ công cụ hỗ trợ kỹ thuật, đánh giá sự sẵn sàng của mình với FLEGT, mà dự kiến Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ kết thúc đàm phán để đi đến ký kết vào cuối năm nay.
Khi gỗ và các sản phẩm gỗ của nước ta được cấp phép FLEGT sẽ không phải tiến hành trách nhiệm giải trình khai báo nguồn gốc gỗ theo Quy chế gỗ của EU (Quy chế EUTR) có hiệu lực từ tháng 3/2013. Mặt khác, các đơn hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất sang EU có giấy phép FLEGT sẽ đem lại sự thuận lợi cho các nhà nhập khẩu vì không phải thực hiện quản lý rủi ro cũng như thủ tục giải trình nguồn gốc gỗ như hiện nay. Điều này góp phần nâng cao tính cạnh tranh của gỗ và các sản phẩm gỗ của nước ta so với các nước khác.
Để các đơn vị chế biến và kinh doanh đồ gỗ trực thuộc VRG rõ hơn về bộ công cụ FLEGT, tại buổi tập huấn, bà Anna Weddle – Đại diện dự án “tăng cường năng lực của các tổ chức xã hội dân sự và các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm đáp ứng yêu cầu của FLEGT” – Tổ chức Nepcon, đã giới thiệu bộ công cụ đánh giá sự sẵn sàng của doanh nghiệp với FLEGT; đồng thời giải thích về trách nhiệm giải trình đối với nhà xuất khẩu gỗ vào thị trường EU; giải đáp những thắc mắc với các doanh nghiệp kinh doanh gỗ trong Tập đoàn…
Cũng tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Văn Tân đánh giá, hàng năm toàn Tập đoàn thanh lý từ 6 đến 10 ngàn ha cao su. Đây là thế mạnh để các đơn vị trực thuộc chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào. Mặt khác, các nhà nhập khẩu EU đang có nhu cầu rất lớn về việc nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT từ các quốc gia có ký kết VPA với EU.
Và đây chính là cơ hội tốt cho các đơn vị chế biến và kinh doanh gỗ thuộc tập đoàn. Vì vậy các đơn vị thành viên phải tích cực chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đón đầu khi Hiệp định VPA/ FLEGT có hiệu lực.
Phó TGĐ VRG cho biết thêm, trong những năm qua ngành chế biến và kinh doanh gỗ đã góp phần không nhỏ vào doanh thu cũng như lợi nhuận của Tập đoàn. Chỉ tính riêng năm 2015, lĩnh vực chế biến và kinh doanh gỗ đạt 5 ngàn tỷ đồng doanh thu với 905 tỷ đồng lợi nhuận. Dự kiến năm 2016 lĩnh vực này sẽ đóng góp vào doanh thu của VRG khoảng 5.300 tỷ đồng, chiếm 30% tổng doanh thu toàn Tập đoàn; góp 40 đến 45% tổng lợi nhuận. Ng. Cường
Related posts:
- Khánh thành Nhà máy chỉ sợi VRG SaDo công suất 6.000 tấn/năm
- Doanh thu xuất khẩu cao su Campuchia tăng lên 77 triệu USD
- Thị phần cao su Việt Nam tại Trung Quốc liên tục mở rộng
- Động lực thúc đẩy các nhà sản xuất cao su có sức bật trở lại
- "Xây dựng thương hiệu cao su thiên nhiên của Tập đoàn thành thương hiệu mạnh"
- Giá cao su đầu tuần giao dịch trái chiều
- Doanh số bán hàng Michelin tăng 20,2% trong năm 2022
- Gian nan xây dựng thị trường ổn định
- Ngân hàng Thế giới cảnh báo dấu hiệu hoạt động kinh tế Việt Nam chậm lại
- Chính phủ Malaysia hỗ trợ 63 triệu RM cho cao su tiểu điền