CSVN – Chúng tôi gặp lại ông Phí Văn Tuyển – Nguyên Trưởng ban Tổ chức, nguyên Chủ nhiệm UBKT Công đoàn (CĐ) CSVN tại Lễ tuyên dương CNVC LĐ dân tộc thiểu số do CĐ CSVN tổ chức tại TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai), vào những ngày cuối tháng 4. Ông trò chuyện về quãng thời gian 34 năm làm công tác CĐ, về nghĩa tình gắn bó của cây cao su cùng người lao động (NLĐ) từ những ngày đầu khốn khó, đến ấm no, ổn định…
Ông Phí Văn Tuyển sinh năm 1955. Năm 1981, sau khi tốt nghiệp ngành sử học (Trường Đại học Tổng hợp), ông làm việc ở Ban Tư vấn Tổng cục Cao su VN. Sau khi Ban Tư vấn giải thể, ông về làm việc tại Ban tuyên giáo CĐ Cao su VN. Đến năm 1993, ông làm chuyên viên Ủy ban Kiểm tra (UBKT) và năm 1999 giữ chức Chủ nhiệm UBKT. Ông tâm sự: “Thời gian đầu làm ở UBKT, tôi không có kinh nghiệm. Thế là, ban ngày đi làm, ban đêm tôi đi học văn bằng 2 Tài chính Kế toán (Trường Đại học Kinh tế). Tôi vừa học vừa hỏi, lý thuyết gắn chặt với thực tế. Thời gian ấy, cực khổ nhưng nghĩa tình”.
Năm 2003, ông Tuyển giữ chức Trưởng Ban tổ chức CĐ CSVN. “Nhớ lại những năm đầu gắn bó với CĐ CSVN, hầu như tôi đi công tác cơ sở suốt, lúc thì đi 6 tháng, khi thì ròng rã cả năm trời, nên chỗ nào, vùng nào có cao su, tôi đều nắm cặn kẽ tình hình ở đó” – ông chia sẻ.
Nói về công việc của mình, ông tâm sự: “34 năm làm công tác CĐ, 22 năm làm công tác kiểm tra, bảo vệ quyền lợi của NLĐ, với đặc thù công việc, tôi thường xuyên tiếp xúc với những người gửi đơn thư khiếu nại. Chúng tôi là nơi mà người công nhân (CN) khiếu nại, giãi bày bức xúc, khó khăn gặp phải tại đơn vị. Tôi luôn lắng nghe và chia sẻ, giải thích để người khiếu nại hiểu, trực tiếp đối thoại, qua điện thoại hoặc qua thư từ…
Với phương châm tất cả vì người lao động, tôi thấy vui khi mình là cầu nối giữa doanh nghiệp và NLĐ. Kinh nghiệm của tôi khi làm công tác kiểm tra CĐ (đặc biệt là người giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo) là phải nắm bắt kịp thời các chế độ chính sách mới ban hành. Và đặc biệt, phải mềm mỏng, trung thực, chính xác và khách quan”.
Mỗi khi nói về công tác CĐ, ánh mắt ông luôn tự hào: “Trong thời gian qua, CĐ luôn là cầu nối gắn kết NLĐ với doanh nghiệp, những lúc khó khăn, tổ chức CĐ các cấp thường xuyên xuống cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, phối hợp với ban lãnh đạo tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thi đua, chăm lo thực hiện các chế độ chính sách… góp phần động viên CNLĐ gắn bó với đơn vị. Đồng thời, giúp người CN hiểu rõ những khó khăn của công ty để cảm thông, đồng hành với đơn vị vượt qua khó khăn hoàn thành kế hoạch đề ra”.
“Trong thời gian tới, việc gần gũi với CNLĐ nên được thực hiện nhiều hơn nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn cũng như mong mỏi của NLĐ”, ông đề nghị.
34 năm gắn bó với ngành cao su ở lĩnh vực CĐ, khi về hưu, ông vẫn luôn dõi theo, buồn khi giá cao su xuống thấp, vui khi thấy NLĐ tâm huyết với ngành. “Cao su là ngành truyền thống. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời động viên và hỗ trợ, nên đại bộ phận CNVC LĐ đều yên tâm gắn bó với nghề, với ngành và ra sức thi đua, nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch SXKD. Ông bà ta vẫn nói Đoàn kết là sức mạnh.
Trước tình hình giá cao su xuống thấp, ngành cao su đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, tôi mong rằng mỗi CNVC LĐ hãy sẻ chia, đoàn kết, đồng lòng, chung sức xây dựng ngành cao su ngày càng ổn định, bền vững. Thế hệ ông cha ta đã đổ biết bao máu và nước mắt để xây dựng ngành cao su vẻ vang. Chúng ta phải chung tay xây dựng và giữ vững truyền thống vàng son ấy” – ông Tuyển nhắn nhủ.
Ngọc Cẩm
Related posts:
- "Chiến sĩ áo trắng" ngành cao su: Những kỷ niệm khó quên
- Lớp thợ giỏi đầu tiên
- Người bảo vệ tận tâm
- “Phải có niềm đam mê mới thành công với nghề”
- Những đôi tay vùng cao làm cao su
- "Tuyên truyền giáo dục rất quan trọng với ngành cao su trong giai đoạn hiện nay"
- Nữ cán bộ Công đoàn tiêu biểu xuất sắc
- Trước ngày hội lớn
- Hoàn thành sản lượng trước 5 tháng
- Làm cán bộ Công đoàn phải có cái tâm