Cạo đèn: Nên thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật

CSVN – Sau 2 kỳ mở diễn đàn “Có nên cạo đèn?” (từ Số báo 456), Tạp chí CSVN đã ghi nhận nhiều ý kiến của độc giả, CBCNV trong ngành. Số báo này, tòa soạn khép lại diễn đàn với ý kiến của lãnh đạo Tập đoàn, Viện Nghiên cứu Cao su VN, ban chuyên môn … về việc có nên cạo đèn hay không? Mời bạn đọc theo dõi.

>> Cạo đèn – Thực tế tại các đơn vị

Công nhân trút mủ vào sáng sớm. Ảnh: Bùi Thái Dũng
Công nhân trút mủ vào sáng sớm. Ảnh: Bùi Thái Dũng

Ông Võ Sỹ Lực – Chủ tịch HĐTV VRG: “Nên thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật”

 Việc Tạp chí CSVN mở diễn đàn “Nên hay không nên cạo đèn” rất hay và phù hợp, nhiều người lao động (NLĐ) tham gia góp ý vào diễn đàn và các đội trưởng, tổ trưởng, cán bộ kỹ thuật cũng có cơ hội bày tỏ ý kiến. Trong thời gian tới đây, hy vọng Tạp chí sẽ có nhiều diễn đàn hơn nữa, tập trung vào các chủ trương của VRG trong trồng xen canh, giảm suất đầu tư… và ghi nhận ý kiến của NLĐ, của cơ sở để góp ý với các chủ trương của VRG.

Như vậy hiệu quả của công tác quản lý, hiệu quả của năng suất lao động, năng suất vườn cây sẽ tốt hơn. Về vấn đề nên hay không nên cạo đèn thì nhiều năm nay Công ty TNHH MTV CS Phú Riềng quyết tâm không cạo đèn nhưng vẫn đảm bảo về năng suất vườn cây trên 2 tấn nhiều năm liền, năng suất lao động trên 7 tấn/người và thu nhập của NLĐ luôn đứng trong top đầu của toàn ngành. Có thể nói năng suất phụ thuộc nhiều vào giống, độ tuổi của vườn cây, bên cạnh đó còn có các yếu tố khác tác động như khí hậu, đất đai…

Về cơ bản, việc không cạo đèn đối với Phú Riềng rất có hiệu quả. Vì vậy lãnh đạo VRG nhiều lần gợi ý các công ty nên vận dụng linh hoạt vào tình hình thực tế của đơn vị mình. Nghề cạo mủ mang tính chất kỹ thuật, thậm chí là kỹ xảo của người công nhân (CN). Về nguyên tắc của quy trình khai thác mủ cao su thì khi thấy rõ mặt cạo mới thực hiện cạo mủ, khi đó sẽ đảm bảo cạo đúng kỹ thuật, mới nâng lên thành kỹ xảo được.

Đối với CN nếu thời gian đi cạo quá sớm có nhiều yếu tố bị ảnh hưởng như sức khỏe của họ và gia đình, khó trong công tác bảo vệ và quản lý sản phẩm đối với đơn vị, có những nơi phức tạp thì CN cạo trước thì đằng sau kẻ xấu có thể vô trút mủ. Tác động trên vườn cây như côn trùng, rồi việc di chuyển của NLĐ cũng không được dễ dàng, trời tối không chủ động bằng lúc sáng. Ngoài ra nếu cạo đèn thì chi phí cho NLĐ cũng tăng lên.

Tuy nhiên đối với miền Đông và một số các đơn vị có thể thực hiện được nhưng đối với một số vùng do tác động của gió nên phải cạo sớm hơn. Tùy thuộc vào sinh lý của từng loại cây thì xác định thời điểm chăm bón và thu hoạch. Đối với sinh lý cây cao su thì thời điểm thích hợp để cạo là 5h sáng, lúc đó áp suất tác động lên dòng chảy mủ mạnh sẽ cho mủ nhanh và nhiều hơn.

Lãnh đạo VRG rất quan tâm đến chất lượng vườn cây, chất lượng sản phẩm và thao tác trên vườn cây phải đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho NLĐ. Vậy nên, thiết nghĩ trong thời gian sớm nhất Viện Nghiên cứu CSVN và Ban Quản lý kỹ thuật VRG cần phải có nghiên cứu về việc giờ đi cạo thích hợp cho NLĐ, tháng nào, mùa nào, cạo thời điểm nào sẽ thích hợp.

Ông Nguyễn Tiến Đức – Phó TGĐ VRG, phụ trách kỹ thuật nông nghiệp: “Tập đoàn không khuyến khích cho CN đi cạo sớm”

 Quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2012 nêu rõ, giờ cạo mủ tùy điều kiện thời tiết trong năm, bắt đầu cạo mủ khi nhìn thấy rõ đường cạo. Mùa mưa, chỉ cạo khi mặt cạo khô ráo, nếu đến 11 – 12 giờ trưa mà mặt cạo còn ướt thì cho nghỉ cạo. Thời gian chờ trút mủ tùy thuộc vào thời tiết. Sau khi cạo xong phần cây, CN cạo chờ hiệu lệnh của đội trưởng hoặc tổ trưởng mới trút mủ. Quy trình kỹ thuật quy định như thế nào, các đơn vị cứ thế thực hiện theo đúng quy trình.

Các ý kiến đều cho rằng cạo đêm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Ảnh: Mạc Thị Hồng Hạnh
Các ý kiến đều cho rằng cạo đêm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Trong ảnh: Một công nhân mệt nhoài sau giờ trút mủ. Ảnh: Mạc Thị Hồng Hạnh

Tập đoàn không khuyến khích các công ty, đơn vị cho CN đi cạo sớm. Tuy nhiên thực tế cho thấy, tùy tình hình thời tiết trong năm, yếu tố vùng miền, thời điểm đầu mùa vụ hay cuối năm kế hoạch, mà thời gian đi cạo mủ của CN sớm trễ khác nhau. Vào đầu mùa thu hoạch, do sản lượng mủ ít, CN đi làm từ khoảng 6 giờ sáng. Nhưng đến quý 4, thời điểm cây cao su cho mủ nhiều nhất, đến 40% sản lượng cả năm, thì CN đi cạo sớm hơn. Do đây là quý quyết định việc hoàn thành kế hoạch sản lượng của đơn vị.

Ông Đỗ Kim Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su VN: “Có cạo đèn hay không sản lượng mủ vẫn như nhau” Viện Nghiên cứu Cao su VN đã làm một nghiên cứu ở hai khu vực Đông Nam bộ và Tây Nguyên về vấn đề thời gian nào khai thác cao su cho sản lượng mủ cao nhất. Kết quả nghiên cứu cho thấy thời gian khai thác trong khoảng 1h – 9h thì sản lượng mủ như nhau. Chỉ sau 9h thì sản lượng mủ giảm.

Theo tôi là không nên cạo đèn, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay. Thứ nhất, cạo đèn hay không thì sản lượng mủ vẫn như nhau, không hề có sự chênh lệch. Thứ hai, cạo đèn ảnh hưởng đến công tác quản lý kỹ thuật. Bởi vì thời gian cạo đèn thì cán bộ quản lý kỹ thuật không thể theo sát, dẫn đến không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Thứ ba, cạo đèn ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.

Ông Trần Khắc Chung – Trưởng Ban Lao động Tiền lương VRG: “Cạo đèn phát sinh chi phí”

Về thời gian, chế độ làm việc của công nhân cao su, Tập đoàn không quy định cụ thể, tùy theo thực tế tại các đơn vị. Riêng theo tôi thì không nên cạo đèn. Bởi vì cạo đèn sẽ phát sinh chi phí bồi dưỡng độc hại, đèn cạo, nhang muỗi… Chi phí đó sẽ được tính vào giá thành sản xuất, mà chủ trương của VRG là tiết giảm chi phí sản xuất tối đa nhằm đem lại lợi nhuận. Cạo đèn hay không cạo đèn đều không ảnh hưởng đến vấn đề lao động tiền lương. Nhưng cạo đèn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe NLĐ.

Ông Lê Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Y tế Cao su: “Nguy hại đến sức khỏe người lao động”

 Về vấn đề sức khỏe người lao động, trong thời gian qua, Trung tâm Y tế Ngành Cao su có khuyến cáo là không nên cạo đèn. Trung tâm Y tế đã nghiên cứu về những căn bệnh nguy hại đến sức khỏe CN khai thác cao su, đặc biệt là CN nữ. Các bệnh đó là: đau lưng, thoái hóa cột sống, giảm thị lực, suy giảm hệ hô hấp, bệnh phụ khoa… Chưa kể rắn, rết và nhiều mối nguy hại trong vườn cao su… Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi giá cao su giảm mạnh thì NLĐ càng không nên cạo đèn.

Anh Quân – Ngọc Cẩm – Quỳnh Mai (ghi)

6 Bình luận
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Hồ thị mỹ kiều
8 years ago

Tuỳ khu vực thôi.ở vùng bình phứơc này mà ko cạo đèn thì sao dc.mùa này thì chưa nhưng mai mốt đến mùa phấn đấu nếu cạo ngày thì chắc sản lựơng mủ cho ko nhiều bằng cạo đèn cộng thêm yếu tố thời tiết ở đây nữa.cạo ngày mủ sẽ mau ngưng chảy hơn đêm vì cạo đèn đêm trời lành lạnh tạo điều kiện cây cho mủ chảy dai hơn.tuy cạo đèn cực nhưng chỉ mùa phấn đấu mà thôi.cộng thêm cạo đèn bù lại thời gian ban ngày CN dc thoải mái tí.đây chỉ theo ý kiến… Read more »

Trần văn vững
8 years ago

Ý tôi la không nên cạo đèn vì ảnh hưởng rất nhiều đền sức khỏe cua cn

Raptor22
8 years ago

Theo tôi, thứ nhất: vấn đề này không nên ép các đơn vị phải theo một khuôn: Cạo đèn hoặc không cạo đèn, mà phải tùy thuộc vào điều kiện vườn cây, khí hậu, thổ nhưỡng… từng đơn vị. Trước khi áp dụng đại trà phải test cục bộ trước để tham khảo kết quả, vì mỗi lần thay đổi sẽ thay đổi “nhịp sinh học” của NLĐ. Thứ hai, xin phép sửa lại chủ đề là cạo sớm hay không cạo sớm. Vì vào cuối mùa cạo, khoảng tháng 10 âm lịch, là khoảng thời gian ngày ngắn. Trong… Read more »

Nguyễn Tuyển
8 years ago

Xin hỏi: Do giá mủ cao su quá thấp, tôi muốn tiếp tục chăm sóc vườn cao su thêm vài năm nữa mặc dù vườn đã đến tuổi cạo. Như vậy sau này khi cạo cây cao su có bị ảnh hưởng đến năng suất hoặc ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cây không?
Mong Ban Biên tập giải đáp giúp

hoa
7 years ago

Tôi đồng ý rằng trong khoảng thời gian nhất định, việc cạo đèn hay không cạo đèn sản lượng vẫn như nhau. Cây cao su là vật thể sống mà? Nó sẽ tự điều chỉnh cho phù hợp trong phạm vi cho phép. Chúng ta kiểm tra hàm lượng thì sẽ biết: Không cạo đèn thì mủ nước có thể ít hơn chút xíu nhưng hàm lượng cao hơn, cây vẫn tăng vanh tốt hơn, ít gãy đỗ. Ban ngày lá cây hấp thụ ánh sáng, ban đêm tổng hợp tạo ra các chất thiết yếu cho cây, chưa kịp… Read more »