CSVNO – Đại hội đồng cổ đông lần đầu Công ty Cổ phần Cao su (CPCS) Bà Rịa, tổ chức ngày 22/4, ông Phạm Văn Chánh – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa được các cổ đông bầu trúng cử thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) và được phân công giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty CPCS Bà Rịa, nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Cùng với ông Phạm Văn Chánh, cổ đông đã bầu 4 thành viên HĐQT Công ty CPCS Bà Rịa nhiệm kỳ 2016 – 2021 gồm các ông: Nguyễn Trọng Cảnh (TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa); Mai Khánh (Chủ tịch Công đoàn Cao su Bà Rịa); Nguyễn Minh Đoan (Trưởng phòng Tổ chức Hành chính Cao su Bà Rịa) và Huỳnh Quang Trung (Giám đốc NT Cù Bị). Trong phiên họp đầu tiên, HĐQT công ty đã giới thiệu ông Nguyễn Trọng Cảnh giữ chức Tổng giám đốc Công ty CPCS Bà Rịa nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Ngoài ra, đại hội cũng đã bầu Ban kiểm soát Công ty gồm Huỳnh Thị Hoa (Trưởng Ban kiểm soát); Hoàng Quốc Hưng và Phạm Thị Kim Loan (thành viên Ban kiểm soát). Kể từ ngày 1/5/2016, Cao su Bà Rịa chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Tại đại hội, Phó TGĐ Cao su Bà Rịa Võ Hữu Hiệp công báo quyết định của Hội đồng Thành viên VRG về cử cán bộ thuộc VRG làm người đại diện phần vốn của Tập đoàn tham gia HĐQT Công ty CPCS Bà Rịa, với số vốn góp hơn 1.096 tỷ đồng, tương đương hơn 109 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần), chiếm hơn 97% vốn điều lệ (1.125 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, cổ đông còn biểu quyết thông qua Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty CPCS Bà Rịa; biểu quyết thông qua tờ trình về tiền lương, thù lao, tiền thưởng cho HĐQT, BKS; biểu quyết chọn đơn vị kiểm toán độc lập. Cổ đông cũng đã biểu quyết thông qua phương án sản xuất kinh doanh năm 2016: tổng diện tích cao su 8.528 ha; diện tích khai thác 3.637 ha; tổng sản lượng thu hoạch 6.300 tấn mủ quy khô; thu mua 700 tấn; tiêu thụ 7.000 tấn; tổng doanh thu hơn 232 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế gần 23 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Trọng Cảnh, để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, công ty xây dựng kế hoạch năm 2016 theo giá bán 26 triệu đồng/tấn. Để đảm bảo có lợi nhuận, công ty xây dựng kế hoạch lao động chuyển chế độ cạo D4, xây dựng các định mức sử dụng vật tư, nhiên liệu sát tình hình thực tế, tiết giảm triệt để các khoản đầu tư không cần thiết để chi phí.
“Hiện công ty có khoảng 1.500 ha cao đến thời kỳ khai thác nhưng do giá mủ thấp nên chưa mở cạo. Khi giá mủ tăng lên, diện tích này đưa vào thu hoạch sẽ tạo thêm doanh thu, lợi nhuận, việc làm, thu nhập cho người lao động. Đồng thời, hy vọng giá cổ phiếu công ty sẽ tăng lên”, ông Cảnh chia sẻ.
Tin, ảnh: Phan Thắng – Vũ Phong
Related posts:
- Việt Nam không chọn nền kinh tế đóng, tự tin mở cửa hội nhập sâu rộng
- Phấn đấu tăng năng suất mía tại Cao su Thanh Hóa
- Ông Đỗ Hữu Huy - Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp:...
- Chỉ đạo của TGĐ Trần Ngọc Thuận về tổ chức Đại hội TDTT 2014
- 3 nữ đại biểu VRG được tôn vinh
- Phát động cuộc thi ảnh "Nét đẹp lao động"
- Thí sinh bước vào ngày thi đầu tiên
- Nông trường Tân Lập giải nhất Bàn tay vàng Cao su Đồng Phú
- Cao su Tây Ninh: Khen thưởng 4 tập thể, 35 cá nhân tiêu biểu trồng mới
- Cao su Bà Rịa: Tuyên dương 222 con ngoan trò giỏi