Cao su nâng cao đời sống người đồng bào

CSVN – Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Mường Cang (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) đã chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi đất nông-lâm nghiệp kém hiệu quả sang góp đất trồng cây cao su. Đây là loại cây công nghiệp không chỉ cho giá trị kinh tế cao mà góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Người dân xã Mường Cang, huyện Than Uyên chăm sóc cây cao su trồng năm thứ 3.
Người dân xã Mường Cang, huyện Than Uyên chăm sóc cây cao su trồng năm thứ 3.
Màu xanh cao su thay thế đồi hoang

Những ngày đầu tháng 1, khi đặt chân đến vùng trồng cao su của huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, điều cảm nhận là cây cao su xanh tốt đang phủ khắp các sườn đồi. Mặc cho cái lạnh khắc nghiệt vùng Tây Bắc, hàng trăm công nhân, người lao động đang ra sức trồng, chăm sóc cây cao su. Thông qua chủ trương chuyển đổi đất trồng cây nông-lâm nghiệp không hiệu quả mà xã Mường Cang đưa ra, đến nay màu xanh cao su đang dần thay thế những nương đồi cỏ hoang, lau lách.

Ông Lìm Văn Tiến – Chủ tịch UBND xã Mường Cang, huyện Than Uyên, nói như khoe: “Các anh biết đó, những cây cao su trồng nơi đây bắt đầu thích nghi vươn lên. Ai cũng vui mừng vì cây công nghiệp dài ngày có thể phát triển xanh tốt trên vùng đất khó. Đây có thể nói là bước đột phá, mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi đất sản xuất nông lâm nghiệp sang trồng cây công nghiệp dài ngày, tăng thu nhập đồng bào”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2011 khi tỉnh, huyện đưa cây cao su vào trồng, xã Mường Cang đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang góp đất trồng cây cao su. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế đồng bào lại chưa thực sự tin tưởng ủng hộ bởi cây cao su là loại cây mới, chưa nơi nào có kết quả. Trước thực trạng đó, xã đã chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể phối hợp phòng chuyên môn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Đồng thời mời Già làng, Trưởng bản tham quan mô hình trồng cây cao su ở các địa phương khác trong tỉnh.

Cán bộ Công ty CPCS Dầu Tiếng – Lai Châu cũng xuống từng bản phân tích, giải thích lợi ích cây cao su mang lại như: cây cao su góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng độ che phủ rừng, người dân hưởng lợi thu hoạch mủ sau này từ việc góp đất, cùng tham gia làm công nhân cho công ty… Sau khi hiểu rõ chủ trương của địa phương, bà con đồng thuận với việc bàn giao hơn 800ha đất rừng nghèo, đất sản xuất kém hiệu quả theo phương thức góp đất cùng làm.

Ông Lò Văn Luyến – bản Pù Quải, xã Mường Cang, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu tâm sự: “Khi nắm rõ chủ trương góp đất trồng cây cao su, tôi cùng cấp ủy, chính quyền của bản và nhân dân họp bàn rà soát toàn bộ diện tích đất nông-lâm nghiệp kém hiệu quả. Từ đó, tham gia góp trên 50ha cho việc triển khai trồng cao su. Bây giờ nhìn cây cao su đang phát triển tươi tốt bà con trong bản vui mừng, tin tưởng vào loại cây công nghiệp mới sẽ giúp người dân đổi đời”.

 Mở ra hướng đi mới

Hiện nay, toàn xã Mường Cang có 448,56ha cây cao su được trồng từ năm 2012 tập trung tại các bản: Phiêng Cẩm A, B; Pù Quải, Pom Bó… đây đều là diện tích rừng nghèo và đồi núi trọc được nhân dân góp đất. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc trồng mới cây cao su trên địa bàn xã Mường Cang cho thấy tỷ lệ cây sống đạt khá cao (trên 80%). Cùng với việc chăm sóc của công nhân Công ty CPCS Dầu Tiếng Lai Châu, các bản cũng đã họp bàn ra quy ước cấm chăn thả gia súc vào vườn cây trong thời gian kiến thiết cơ bản. Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền địa phương vận động người dân tiếp tục tham gia góp đất mở rộng diện tích, làm công nhân cho Công ty để tăng thu nhập.

Anh Tòng Văn Nghiên – bản Pom Bó, xã Mường Cang, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Được nhận vào làm CN cho Công ty, tận tay trồng bầu cao su xuống mảnh đất của gia đình, tôi rất phấn khởi, tin tưởng vào loại cây này. Tôi và một số anh em trong xã tham gia làm CN trong Công ty gần 3 năm nay, tuy công việc có vất vả nhưng cho thu nhập ổn định nên chúng tôi cũng yên tâm gắn bó làm”. Có thể nói, cây cao su là loại cây trồng đa mục đích đang được bà con nơi đây chăm lo, phát triển. Những mầm xanh của cây cao su bắt đầu vươn mình trước nắng gió đang mở ra hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã Mường Cang nói riêng và huyện Than Uyên nói chung.

Phương Ly