CSVN – Tiếp tục chuyên đề “Có nên cạo đèn?” (bắt đầu từ số 456), kỳ này PV Tạp chí Cao su VN ghi nhận tình hình thực tế tại đơn vị và ý kiến của công nhân (CN), cán bộ kỹ thuật…
>> Cạo đèn: Cần cân nhắc yếu tố vùng miền
>> Đông đảo bạn đọc phản hồi về cạo đèn
Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh: Nhiều năm trước đây, CN khai thác ra lô rất sớm, tranh thủ hoàn thành xong công việc trên vườn cây, để còn thời gian trong ngày chăm sóc vườn tiêu, cao su của gia đình. Thêm vào đó, tùy tình hình thực tế của vườn cây tại đơn vị mình, các NT chủ động về giờ giấc CN đi cạo. Tuy nhiên, để quản lý sản phẩm tốt hơn và giữ gìn sức khỏe cho CN lao động, từ năm 2012 đến nay CN ra lô từ 4h sáng để bắt đầu cho công việc.
Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long: Chị Nguyễn Thị Ngọc Ấm – Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật cho biết: “Theo quy định trong Quy trình kỹ thuật chăm sóc, khai thác cây cao su thì khi thu hoạch mủ phải vào thời điểm thấy rõ mặt cạo. Điều này rất chính xác, thứ nhất là cạo vào thời gian thấy rõ mặt cạo giúp CN không cạo phạm, thao tác đúng kỹ thuật. Thứ hai nữa là đảm bảo sức khỏe cho CN, CN không phải dậy 3 – 4h sáng để ra vườn cây.
Tại Công ty Bình Long, CN ra lô từ 5h30 và 6h bắt đầu cạo mủ. Đối với vườn cây già, miệng cạo cao hơn, cạo hai miệng úp – ngửa thì thời gian bắt đầu cạo sớm hơn 30 phút so với vườn cây tơ, khoảng 5h. Bởi miệng cạo trên cao nếu cạo trễ thì ánh nắng sẽ chiếu trực diện ảnh hưởng đến phần nhìn của CN. Vườn cây từ năm 2005 – 2010 của công ty đều được cạo khi thấy rõ mặt cạo. Nếu so sánh giữa cạo đèn và cạo khi thấy rõ mặt cạo thì tôi thấy sản lượng mủ vẫn ngang bằng nhau. Vào mùa đông, tháng 9 – 10 thì 5h30 trời vẫn còn tối nên CN dùng đèn để hỗ trợ thêm”.
TCT CS Đồng Nai: Một cán bộ kỹ thuật cho biết: “Việc cạo sớm hay trễ phù thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố sinh lý, độ tuổi của cây, thời tiết và thời gian. Tùy theo thời điểm mùa cạo, những tháng đầu mùa cạo mới thì 5h – 5h30 CN mới ra lô cạo, tuy nhiên vào những tháng mùa đông và gần Tết thời tiết lạnh thì cạo sớm để cây cho nhiều mủ.
Thực tế sản lượng mủ của cây phụ thuộc rất nhiều vào nhiệt độ trong ngày, nhiệt độ này tác động đến áp suất dòng chảy mủ của cây. Nếu nhiệt độ trong ngày mát mẻ thì thời gian cây cho mủ sẽ kéo dài hơn, còn nhiệt độ nắng nóng, khô hạn thì mủ sẽ nhanh đông hơn, thời gian cho mủ sẽ ít lại. Theo đúng quy trình thì không nên cạo đèn, cạo sớm quá là vi phạm nhưng nếu cạo trễ thì cây cho mủ ít lại.
Hàng năm mỗi đơn vị đều có phần giao định mức sản lượng cho CN, nếu cạo vượt sản lượng thì lương thưởng nhiều, vì vậy đôi khi CN thích đi cạo sớm. Tùy theo nhiệt độ trong ngày, tùy theo nhóm tuổi của cây thì thời gian cạo xê dịch chút xíu, ở CS Đồng Nai CN thường ra lô lúc 5h sáng cạo đến 8h sáng là xong phần cây”.
Một cán bộ Công ty CPCS Phước Hòa nhận xét: “Quy trình kỹ thuật khai thác cao su kết luận rằng hơn trăm năm nay, cây cao su cho sản lượng mủ cao nhất trong khoảng thời gian từ 3h – 6h trong ngày. Điều đó chúng ta không bàn cãi, vì đã có rất nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước nêu rõ điều này.
Tuy nhiên, vấn đề có nên cạo đèn hay không lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu vườn cây đang trong giai đoạn đỉnh cao thì sản lượng mủ luôn vượt trội, chưa kể địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng… Tôi cho rằng, cạo đèn hay không tùy thuộc vào từng đơn vị, và cũng cần hài hòa giữa yếu tố vùng miền (như Tây Nguyên thì phải cạo đèn) và bảo vệ sức khỏe người lao động”.
[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Cạo đèn ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?”]Trao đổi với PV về việc cạo đèn ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của người CN, ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Trung tâm y tế Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh cho rằng, con người là một sản phẩm hoàn hảo của tự nhiên, vì thế sẽ nhanh chóng thích nghi với mọi điều kiện làm việc.
Nếu tuân thủ giờ giấc đi cạo và có chế độ dinh dưỡng tốt thì vẫn đảm bảo sức khỏe để lao động. Thông thường thì người CN hay mắc phải một số chứng bệnh như viêm thoái khớp và dây chằng khuỷu tay, bệnh rối loạn tiền đình mãn tính do thiếu ngủ và phải đi vòng quanh cây cạo quá nhiều trong quá trình làm việc, hoặc bệnh giảm dần cảm giác ở ngón tay tỳ đè dao cạo trong quá trình cạo mủ…
Để khắc phục tình trạng này, CN phải tự mình tuân thủ đúng với quy trình khai thác mủ đề ra, có chế độ ăn ngủ hợp lý để đảm bảo sức khỏe. Bên cạnh đó, Y tế ngành, các trung tâm y tế, Công đoàn CSVN, các cơ quan chuyên môn nên tổ chức một hội thảo về vấn đề này để khuyến cáo CN làm việc khoa học, tránh một số bệnh.
Một bên thì áp lực năng suất, sản lượng còn một bên chăm lo sức khỏe cho người lao động, ai cũng có lý do của mình. Tuy nhiên cần phải hài hòa lợi ích 2 bên, do đó cần ngồi lại với nhau bàn xem cạo như thế nào là hợp lý, đúng với tình trạng sức khỏe của CN. Có như vậy mới phát huy hiệu quả.
Văn Vĩnh (ghi)
[/stextbox]Một CN công ty khu vực miền Đông, chia sẻ: “15 năm tôi làm CN khai thác, là CN, chúng tôi bị áp lực về sản lượng và rất sợ bị hụt sản lượng, đặc biệt là những khi thời tiết không thuận lợi. Ở đơn vị tôi, CN cạo mủ vào lúc 2h hoặc 3h sáng, có khi 1h, trừ những ngày mưa thì phải đợi khô miệng mới cạo. Nếu như cạo trễ thì sản lượng mủ không cao, đến cuối năm thì chúng tôi không hoàn thành chỉ tiêu đơn vị giao khoán. Tôi cũng nghe nói về vấn đề không cạo đèn ở Cao su Phú Riềng, nhưng không thể so sánh được, vì vườn cây họ đang trong giai đoạn sung sức, sản lượng mủ cao”.
CN Phạm Bảo Châu – Đội K3, NT Cầu Khởi (Công ty CPCS Tây Ninh), cho biết đầu mùa cạo, công việc của CN bắt đầu từ lúc khoảng 5 giờ sáng. Thời điểm này mới cạo xả, sản lượng mủ ít nên CN đi làm trễ. “Khi vườn cây bắt đầu cho sản lượng mủ nhiều và ổn định, tôi bắt đầu công việc thu hoạch mủ từ lúc 3 giờ sáng. Cạo trong khoảng thời gian từ 2,5 tiếng – 3 tiếng đồng hồ là xong phần cạo. Sau đó khoảng 8 – 9 giờ sáng đi trút mủ. Sau khi kết thúc công việc trên lô, khoảng 11 giờ trưa là được ra về”, chị Châu cho hay.
Chị Châu cho biết thêm, đi cạo sớm thì được nghỉ sớm, có thời gian chăm sóc con cái và lo việc gia đình. Hơn nữa, đi cạo sớm thì trời mát mẻ, cây cho mủ nhiều thì mới có sản lượng cao, tiền lương cũng khá hơn. Còn đi cạo trễ khi mặt trời đã lên thì rất nóng bức, cây cho mủ ít, còn CN cạo mủ cũng mau bị mất sức do nắng nóng.
“Tôi thấy CN đi cạo lúc 3 giờ sáng là được, nếu muốn cạo sớm hơn cũng không được phép vì nông trường không cho. Thời gian này là vừa phải, CN có thời gian ngủ để tái tạo sức lao động, đến khi ra vườn cạo, cây cho mủ cao hơn thời điểm khác trong ngày. Tuy nhiên, là CN nữ, một mình đi đêm, đi hôm cũng lo sợ bất trắc, nhưng đi làm riết rồi cũng quen”, Bảo Châu tâm sự.
Giám đốc một nông trường, thuộc một CTCS ở miền Đông chia sẻ, do ăn lương theo sản phẩm nên nhiều CN xin được đi cạo sớm so với quy định của công ty. Tuy nhiên, để đảm bảo tính đồng bộ, cũng như hài hòa quyền lợi của tất cả CNLĐ ở các đơn vị, nông trường điểm cạo lúc 3 giờ sáng.
“Có nhiều CN xin đi cạo sớm hơn 1 tiếng đồng hồ, bởi họ biết cạo sớm thì khí trời mát mẻ, sản lượng mủ nhiều hơn. Đi làm sớm thì CN kết thúc công việc trên lô sớm, có nhiều thời gian hơn để chăm lo gia đình, con cái học hành và phát triển kinh tế gia đình”, vị giám đốc nông trường cho biết. Cũng theo vị này, do đặc điểm sinh lý cho mủ của cây cao su, việc CN đi cạo từ lúc 3 – 4 giờ sáng không có gì lạ. Nhưng tùy vào số tuổi cạo của vườn cây mà công việc khai thác của CN dài ngắn khác nhau. Như tại nông trường ông, đối với vườn cây chuẩn bị cưa cắt để thanh lý, vì cạo tận thu nên CN mở nhiều miệng cạo, thời gian làm việc dài hơn vườn cây trẻ. Công việc tuy vất vả nhưng thu nhập của CN cao hơn do sản lượng mủ nhiều hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Vui – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, người có nhiều năm phụ trách kỹ thuật nông nghiệp của công ty, cho biết, CN thường đi cạo vào lúc 3 – 4 giờ sáng, tùy thuộc vào nhà xa hay gần vườn cây. “Đặc điểm của miền Trung khí hậu rất khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, công ty phải cạo từ lúc 3 – 4 giờ sáng thì cây mới cho mủ. Nếu cạo trễ thì không có mủ do nắng nóng, ống dẫn mủ bị bít. Ngoài ra, còn có nguyên nhân, công ty sản xuất mủ tờ, việc vận chuyển mủ nước từ vườn cây về nhà máy nếu trễ quá chất lượng mủ không đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm”, ông Vui cho hay.
Dưới góc độ kỹ thuật, Phó TGĐ Công ty CPCS Đồng Phú, ông Phạm Văn Luyện – người theo dõi mảng kỹ thuật nông nghiệp, phân tích: “Đặc điểm sinh lý cho mủ của cây cao su nằm trong những ống dẫn mủ nằm nghiêng một góc so với miệng cạo. Khi CN thực hiện thao tác cạo, thì sẽ cắt những ống dẫn mủ và mủ tiết ra. Cây cho mủ nhiều hay ít phụ thuộc vào nhiệt độ và tốc độ gió trên vườn cây. Thời tiết mát mẻ, tốc độ gió thuận lợi thì cây chảy mủ nhiều, ngược lại thời tiết nóng, tốc độ gió cao thì khiến nước bốc hơi nhiều, khi đó sẽ làm những ống dẫn mủ bị bít lại, mủ sẽ không chảy. Do vậy, cạo khi thời tiết mát mẻ, lúc mặt trời chưa lên cây mới cho mủ nhiều hơn, sản lượng cao hơn”.
Phan Thắng – Quỳnh Mai – Ngọc Cẩm (ghi)
Related posts:
- Người bạn lớn của ngành cao su Việt Nam
- Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Mạnh, nhưng đừng... yểu!
- Sản xuất mủ SVR 10 chất lượng cao từ mủ phụ
- NT Lai Uyên: 16 năm liền đạt năng suất 2 tấn/ha
- Cao su Bà Rịa: Ưu tiên đảm bảo thu nhập, giữ chân người lao động
- Giải pháp sử dụng mái che mưa lâu dài
- Cao su Kon Tum: Tìm biện pháp hữu hiệu thích ứng với thời tiết
- Máy cạo mủ: Băn khoăn bài toán kinh tế
- Nông trường Bến Củi, Công ty CPCS Tây Ninh: Nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ cơ giới hóa
- Cao su Chư Prông đảm bảo cây giống chất lượng cho vụ trồng mới