CSVNO – Ngày 9/4, UBND tỉnh Điện Biên có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo VRG, lãnh đạo các Công ty: Cổ phần Cao su Điện Biên, Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé – Điện Biên về việc mở cạo mủ cao su và tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án phát triển cao su trên địa bàn tỉnh.
Dự buổi làm việc có các ông: Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; Hứa Ngọc Hiệp, Phó Tổng giám đốc VRG, Chủ tịch HĐQT các công ty cao su miền núi phía Bắc.
Dự án phát triển cao su ở tỉnh Điện Biên do 2 Công ty: CPCS Điện Biên và Công ty CPCS Mường Nhé – Điện Biên (thuộc VRG) triển khai thực hiện từ năm 2008 đến nay theo hình thức liên kết chia sản phẩm với hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất để hợp tác kinh doanh cao su với các công ty. Tuy nhiên trong điều kiện giá mủ cao su xuống thấp, giá đền bù hỗ trợ cao dẫn đến chi phí hạch toán giá cao su tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người dân.
Đối với Công ty CPCS Điện Biên đến cuối năm 2015 đã trồng hơn 3.766ha cao su, tạo việc làm thường xuyên cho 400 cán bộ, công nhân viên, người lao động với mức thu nhập bình quân 2,8 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động mùa vụ. Diện tích đất đo đạc lập bản đồ địa chính trên 5.683ha, trong đó, diện tích có trồng cao su đã đo đạc chưa lập hồ sơ địa chính là 65,34ha… Công ty CPCS Mường Nhé – Điện Biên có 297 lao động và 201 lao động thời vụ, đảm nhiệm việc chăm sóc gần 1.252ha cao su…
Các công ty đề nghị UBND tỉnh Điện Biên tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, như: Chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và hỗ trợ cho doanh nghiệp; thực hiện việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cho diện tích cao su đã khép tán.
Trong quá trình rà soát, đo đạc phát sinh một phần diện tích không xác định được chủ đất nên chưa được đo đạc gây khó khăn trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ, cá nhân tham gia góp đất trồng cao su. Một số diện tích người dân góp đất trồng cao su nhưng chưa thực hiện, các công ty đề nghị UBND tỉnh cho phép chuyển sang trồng rừng sản xuất tránh lãng phí diện tích, tạo thu nhập cho người dân.
Về phía các công ty chưa được nguồn vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi theo quy định hiện hành. Việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào gặp nhiều khó khăn. Kể từ khi triển khai dự án, các doanh nghiệp vẫn chưa được hỗ trợ một hạng mục đầu tư nào từ phía địa phương.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên nhất trí với chủ trương của VRG về việc mở cạo mủ cao su đối với diện tích cao su trồng năm 2008; thống nhất phương án chia sản phẩm theo đúng thỏa thuận của VRG với tỉnh Điện Biên trên cơ sở đất để chia sản phẩm sẽ dựa trên diện tích đất thực tế trồng được cao su và đất xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đối với đất chênh lệch không trồng được cây cao su, UBND tỉnh Điện Biên nhất trí chủ trương để trồng rừng sản xuất; về đất cấp cho cộng đồng được đổi thành đất cấp cho nhóm hộ và sẽ có một đại diện để ký cam kết. Liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cây sao su theo Quyết định 16/2011/QĐ – UBND ngày 30/5/2011 của UBND tỉnh Điện Biên, ông Lò Văn Tiến giao Sở Tài chính sớm tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Tin, ảnh: Gia Kiệt
Related posts:
- VRG sẽ thoái vốn, cổ phần hóa theo lộ trình và kế hoạch
- Đ/c Hồ Cường trúng cử Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước
- Sẻ chia sau bão
- Thi đua về đích nơi Bắc Lào
- Xây dựng quỹ lương theo 3 thông tư mới
- Đ/c Dương Hải Hà giữ chức Bí thư Chi bộ Xây dựng - Địa ốc Cao su
- Chuỗi hoạt động cuối năm của VRG
- Sôi nổi Hội thi Bàn tay vàng Công ty Vketi
- Cao su Dầu Tiếng diễn tập ứng phó sự cố khẩn cấp
- Cao su Đồng Nai tặng quà cho 120 người già neo đơn, đồng bào dân tộc