CSVN – Nếu ai một lần đến miền Đông chắc chắn sẽ không thể không xốn xang trước cảnh đẹp của rừng cao su xanh mướt, bóng cô công nhân áo xanh nhanh nhẹn với nụ cười ấm áp, hồn nhiên. Và cũng chẳng cần phải là thi sĩ để “xao xuyến” trước cảnh vật, con người “Chắt chiu nâng niu dòng sữa/ Dâng đời hương vị ngất ngây”.
Quả thế, bài thơ Dấu ấn trong tôi của Lê Thanh Sơn (đăng trên Tạp chí CSVN số 454) đã ghi lại cảm xúc rất thật của người “ngoại đạo” khi đối diện với “cô em gái đầu tiên ấy”, để rồi “phải lòng” cái vẻ “hồn nhiên” và “má đỏ hây”… Chính lời thơ trong sáng, tình cảm chân thành của tác giả đã làm lay động bạn đọc xa gần trên cộng đồng “phây”.
Trên Facebook, bạn Hoàng Hương Phan không ngần ngại nhìn thẳng sự thật, có chút tiếc nuối “cô gái năm xưa”, để rồi bộc bạch:
“Mùa thu năm nay tôi trở lại
Nhìn quanh chẳng thấy bóng hình ai
Cô gái năm xưa giờ đâu thấy
Chắc cô nay đã đổi nghề rồi
…
Cuộc đời âu cũng là vô định
Lúc suy, lúc thịnh lẽ thường thôi
Chỉ ước mong sao kinh tế ổn
Để cô gắn bó với nghiệp này”
Không tô vẽ hiện thực, thi vị hóa cuộc sống, độc giả Sức trẻ Bố Lá như “đọc” được nỗi lòng của người công nhân vào thời giá mủ xuống thấp, rồi lại tự khuyên mình, vững niềm tin vượt khó “tận thu sản lượng” thì “hạnh phúc sẽ đầy”:
“Miệng cô luôn hát nhưng tim khóc
“Học phí cho con tính sao đây”?
Chỉ còn biết tận thu sản lượng
Cạo hết cây, hạnh phúc sẽ đầy…”
Còn độc giả Nguyễn Đăng Sỹ lại khẳng định: “Dù giá mủ không cao” nhưng cô gái ấy “vẫn còn đây” và “gắn bó với vườn cây”, bởi bản chất yêu lao động, tinh thần vượt khó, thủy chung và vững tin vào cái nghề đã lựa chọn:
“Cô em ngày ấy vẫn còn đây
Vẫn còn gắn bó với vườn cây
Dù cho giá mủ không cao mấy
Vẫn hát say sưa hạnh phúc đầy”.
Có thể thấy rằng, trong gian khó, thơ ca sẽ là món ăn tinh thần, giúp chúng ta có thêm niềm tin, lạc quan vào công việc. Với người công nhân cao su, trang Công nhân sáng tác chính là vườn ươm cho những cảm xúc hồn nhiên, chân thành mà không kém phần mộc mạc đơm bông kết trái. Bài thơ Dấu ấn trong tôi của Lê Thanh Sơn đã để lại nhiều dư vị đẹp về nghề cạo mủ và cô gái nông trường.
Hạ Nguyên