Cổ phần hóa và tái cơ cấu nông nghiệp: VRG là điểm sáng

CSVN – Sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trong quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011 – 2015 đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc.

>> Vai trò Công đoàn trong cổ phần hóa: Cần năng động hơn

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn làm việc với Ban lãnh đạo VRG về rà soát tiến độ CPH Công ty Mẹ VRG, diễn ra vào ngày 19/3. Ảnh: CTV
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn làm việc với Ban lãnh đạo VRG về rà soát tiến độ CPH Công ty Mẹ VRG, diễn ra vào ngày 19/3. Ảnh: CTV
CPH sớm so với kế hoạch

Theo báo cáo của Vụ Quản lý Doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT) tại Hội nghị Tổng kết Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 – 2015 và nhiệm vụ giải pháp đến 2020 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 15/3, trong giai đoạn 2011 – 2015, Bộ đã sắp xếp, CPH được 12 tổng công ty (TCT) và 2 công ty Thuốc thú y trực thuộc Bộ, 2 công ty thuộc VRG và các công ty con thuộc các TCT; đồng thời đã CPH 10 DN.

Như vậy, theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ đã tiến hành CPH sớm hơn so với kế hoạch 4 DN, gồm: TCT Lâm nghiệp VN, TCT Lương thực miền Nam, Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên và Bà Rịa (thuộc VRG).

Cùng với đó, Bộ đã phê duyệt kế hoạch thoái vốn cho 1 Tập đoàn và 11 TCT; chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, đặc biệt đối với các lĩnh vực chứng khoán, tài chính, bảo hiểm, bất động sản, các quỹ đầu tư. Số vốn đã thoái tính đến 31/12/2015 là hơn 2.175 tỷ đồng, đạt 39,51% KH.

CPH là mệnh lệnh!

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục thực hiện CPH các Tập đoàn, TCT 100% vốn Nhà nước, gồm: VRG, TCT Lương thực miền Nam, TCT Lương thực miền Bắc và TCT Cà phê VN

Về giải pháp thực hiện, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn chỉnh cơ chế chính sách nhằm quản lý tốt hơn vốn và tài sản Nhà nước tại DN, phân định rõ cơ chế chính sách giữa nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với nhiệm vụ công ích. Đối với việc xác định giá trị DN khi thực hiện CPH, Vụ Quản lý DN đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan đến việc xác định giá trị của DN, làm rõ cơ chế tài chính đối với DN không còn cổ phần của Nhà nước…

Đại diện lãnh đạo VRG, Cao su Bà Rịa và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM kiểm tra phiếu đấu giá cổ phần Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa, vào ngày 11/3. Ảnh: Phan Thắng
Đại diện lãnh đạo VRG, Cao su Bà Rịa và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM kiểm tra phiếu đấu giá cổ phần Công ty TNHH MTV Cao su Bà Rịa, vào ngày 11/3. Ảnh: Phan Thắng

Để thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, CPH phát huy hiệu quả hơn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Bộ sẽ tập trung tổ chức chỉ đạo xác định giá trị DN, phê duyệt và công bố giá trị DN; chỉ đạo xây dựng phương án CPH đối với các đơn vị thực hiện CPH; tổ chức bàn giao DNNN sang công ty cổ phần. Đồng thời, hướng dẫn các DN xây dựng, triển khai phương án thoái vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Định kỳ hàng tháng, quý, năm theo dõi, tổng hợp tiến độ thực hiện, báo cáo các cơ quan liên quan và chỉ đạo DN, người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN thực hiện”.

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, xác định các tồn tại làm cơ sở cho việc nghiên cứu hoàn chỉnh cơ chế chính sách nhằm quản lý tốt hơn vốn và tài sản Nhà nước tại DN; phân định rõ về cơ chế chính sách giữa nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ công ích của DN…

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu: “CPH, tái cơ cấu DNNN ngành nông nghiệp phải làm nhanh, dứt điểm. Phải coi CPH là thành tố quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành”.

Cổ phần hóa tại VRG có những khó khăn đặc thù

Phát biểu tại Hội nghị, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận có những trăn trở khi nói về CPH, tái cơ cấu và thoái vốn Nhà nước tại VRG: “Dù đã đạt nhiều thành công, song công tác CPH ở một số đơn vị thành viên VRG vẫn còn nhiều khó khăn. Giá mủ cao su xuống thấp chính là nguyên nhân chính dẫn tới việc CPH chậm. Ngoài ra, VRG là đơn vị quản lý quy mô lớn, diện tích đất rộng, nên có những khó khăn đặc thù”.

Giai đoạn 2011 – 2015, VRG đăng ký CPH 5 đơn vị, đến nay mới CPH được 2 đơn vị, là CTCS Tân Biên và Bà Rịa. Về thoái vốn, VRG cũng gặp phải những vướng mắc, khó khăn riêng. “Thực tế đối với VRG, khi đầu tư ngoài ngành, chúng tôi tập trung nhiều vào thủy điện. Để thoái vốn ở những dự án này, VRG cần có những cơ chế riêng, vì nó còn liên quan đến mối quan hệ láng giềng, tình hình chính trị, xã hội…”, ông Thuận thẳng thắn.

Tuy nhiên, một trong những thành tích của VRG khi tiến hành tái cơ cấu DN, là mở rộng những ngành nghề chính, có thế mạnh. Chẳng hạn, trong tổng số lãi năm 2015 là hơn 2.400 tỷ đồng, có tới hơn 800 tỷ đồng lợi nhuận từ chế biến gỗ và ván ép MDF. Hiện nay VRG đang đẩy mạnh đầu tư vào các dự án chế biến gỗ. Ngoài ra, VRG còn tập trung vào sản xuất bóng thể thao, băng tải, dây cu-roa cung cấp cho các dự án xi măng, than, hay găng tay cao su… Tất cả các sản phẩm đều có nguồn gốc từ cao su thiên nhiên.

Trung Kiên