Vai trò Công đoàn trong cổ phần hóa: Cần năng động hơn

CSVN – Thực tiễn hoạt động thời gian qua và yêu cầu trong thời gian tới cho thấy, khi tiến hành CPH DN, tổ chức CĐ đóng vai trò rất quan trọng vào quá trình CPH và sau khi chuyển DN thành công ty cổ phần (CP).
Lãnh đạo CĐ Cao su VN tham gia trồng cao su cùng CN tại Lễ ra quân tái canh tại Cao su Bà Rịa- đơn vị tiến hành CPH trong năm 2016. Ảnh: Tùng Châu
Lãnh đạo CĐ Cao su VN tham gia trồng cao su cùng CN tại Lễ ra quân tái canh tại Cao su Bà Rịa- đơn vị tiến hành CPH trong năm 2016. Ảnh: Tùng Châu

Trong những năm trước đây, các CTCS: Tây Ninh, Hòa Bình, Phước Hòa, Đồng Phú và các đơn vị dịch vụ, công nghiệp đã cổ phần hóa (CPH) thành công, hoạt động hiệu quả. Thực hiện Nghị quyết 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 của Chính phủ, trong năm 2015, VRG đã hoàn tất các thủ tục CPH CTCS Tân Biên và Bà Rịa.

Vừa qua, hai CTCS này đã tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Trong năm 2016 và các năm tiếp theo, sẽ tiếp tục CPH các CTCS còn lại và Công ty Mẹ – Tập đoàn. Thực tiễn hoạt động thời gian qua và yêu cầu trong thời gian tới cho thấy, khi tiến hành CPH DN, tổ chức CĐ đóng vai trò rất quan trọng vào quá trình CPH và sau khi chuyển DN thành công ty cổ phần (CP).

Điều đó được thể hiện ở những việc làm sau:
Một là, các cấp CĐ trong đơn vị cần nắm rõ chủ trương CPH, tổ chức phổ biến tuyên truyền trong CNLĐ, ổn định tư tưởng tạo sự đồng thuận chung. Tổ chức CĐ tham gia xây dựng phương án CPH theo đúng lộ trình, tiến độ; đảm bảo các nguyên tắc, quy định của pháp luật. Quá trình CPH phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước, DN và người lao động (NLĐ). Đánh giá đúng giá trị tài sản DN; xác định các quỹ còn lại của DN (Quỹ phúc lợi, Thi đua khen thưởng…) từ đó có phương án phân chia lại cho NLĐ có đủ điều kiện tại thời điểm CPH theo quy định về thực hiện chính sách đối với NLĐ khi chuyển DN Nhà nước thành công ty CP.

Hai là, việc bán CP ưu đãi cho CBCNV-LĐ, Ban TGĐ và CĐ cần quan tâm tạo điều kiện để NLĐ có CP. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là giải pháp căn cơ để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho NLĐ, giúp họ gắn bó và cống hiến nhiều hơn cho DN. Trong đó lưu ý vận động NLĐ mua hết CP ưu đãi và giữ CP đó, tránh bán “lúa non” cho những kẻ đầu cơ có tiền gom CP ưu đãi trước khó khăn của người lao động như đã xảy ra ở những đơn vị CPH trước đây.

Theo chủ trương của Tổng LĐLĐ VN, các cấp CĐ tại các công ty CPH được mua CP ưu đãi với một tỷ lệ cho phép từ nguồn kinh phí CĐ kết dư hoặc kinh phí kết dư của CĐ cấp trên chuyển xuống. Như vậy NLĐ (thể nhân) CĐ (pháp nhân) mà CĐ là người đại diện khi mua CP ưu đãi với một tỷ lệ đủ lớn trong tổng số CP thì có quyền tham gia ứng cử vào Hội đồng Quản trị. Đây là việc làm cần thiết khẳng định vai trò vị thế của CĐ trong công ty CP.

Ba là, sau khi CPH, công ty hoạt động theo điều lệ. Bộ máy tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh có sự thay đổi căn bản: Đại hội đồng cổ đông – Hội đồng Quản trị – Ban điều hành – Ban kiểm soát. Vai trò của CĐ lúc này là tham gia quản trị DN, xây dựng phương án SXKD, sắp xếp lại lực lượng lao động, giải quyết lao động dôi dư sau CP, đảm bảo việc làm, thu nhập, các chế độ, chính sách cho NLĐ theo luật định.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Quản trị, Ban điều hành tổ chức tốt Hội nghị NLĐ, thương lượng kí kết thỏa ước lao động tập thể, bầu ban đại diện đối thoại và thực hiện đối thoại định kỳ. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, phản ánh kịp thời đến Ban điều hành, Hội đồng Quản trị, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ trong tiền lương, tiền thưởng, chia cổ tức hàng năm.

Bốn là, hoạt động CĐ trong công ty CP cần phải đổi mới nội dung và phương thức phù hợp. Chủ tịch CĐ và BCH năng động, sáng tạo hơn. Mọi hoạt động đều hướng về NLĐ, đi sâu đi sát cơ sở, nắm vững điều lệ hoạt động của công ty CP, đặc biệt là những quy định của pháp luật. Xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa Hội đồng Quản trị – Ban Điều hành và CĐ. Chủ động giải quyết những vướng mắc, mâu thuẫn trong tổ chức sản xuất, đời sống, thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ.

CĐ cần chủ động tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất với các nội dung thiết thực lao động sáng tạo với năng suất hiệu quả ngày càng cao để DN cạnh tranh thắng lợi, bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ. Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy hoạt động phong trào và phong trào CN ở các đơn vị CPH trước đây như: Phước Hòa, Tây Ninh, Đồng Phú, Hòa Bình… rất tốt, SXKD phát triển, việc làm, đời sống, thu nhập ổn định, phát triển. Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ổn định. Chia cổ tức hàng năm đều tăng. Các chế độ, chính sách cho NLĐ thực hiện đầy đủ, tổ chức CĐ các cấp vững mạnh.

Thanh Sơn