CSVN – Sài Gòn – TP HCM vốn là mảnh đất lành nên người tứ phương nhập cư về ngày một nhiều. Trong những nghề mà họ chọn lựa để tồn tại, có nghề bán hàng rong. Đến nay hàng rong đã trở thành nét đặc trưng không thể thiếu của Sài Gòn.
Gần đầu ngõ nhà tôi có chị bán bún riêu bún ốc luôn đắt hàng. Cứ tầm 4 giờ chiều trở đi, chị vừa quảy quang gánh ra đã thấy có sẵn vài ba người đứng chờ, người cầm tô hoặc cà-mèn mua mang về, người chờ ăn tại chỗ. Chị vừa ngồi xuống là cứ luôn tay, gắp bún, bỏ rau, chan nước lèo, rồi thêm chút mắm tôm, vắt thêm miếng chanh, rắc ít tiêu, bỏ vài lát ớt, những thao tác thành thục nhanh nhẹn mà vẫn bị hối thúc.
Có gì đâu: cái mùi chanh, ớt, mắm tôm, rau sống, nhất là mùi trộn lẫn của rau thơm, húng, diếp cá, tiêu…quyện vào với chất nước lèo nóng, thơm bốc lên khứu giác khiến ai mà không thèm. Cứ thế, hết tô này đến tô khác, nhìn chị bán hàng, tôi có cảm tưởng chị ta ắt là phải có hai bàn tay bằng thép mới làm được vậy.
Hỏi cực nhọc thế lời lóm khá không, chị cười xòa, bảo: “Hàng rong, quà vặt thôi mà bạn, lời gì nhiều? Có điều trời cũng thương, ngày nào cũng bán được hàng, kiếm chút đỉnh mang về nuôi chồng, con”. Tôi hỏi thêm, nấu bún ngon vậy, sao không ra chợ đăng ký sạp hàng, tìm chỗ ngồi bán cho khỏe, lại gánh gồng chi vừa mệt mỏi vừa không bán được nhiều, chị ta lại cười: “Nghề nào quen nghề nấy thôi! Gánh thì mệt nhưng được cái khỏi thuế má, tiền chỗ, bán bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Mình vốn ít, lấy công làm lời là chính, biết đâu thuê sạp rồi lại ế ẩm thì sao?!”.
Cứ thế, những gánh hàng rong tồn tại, vừa chông chênh, vừa chắc chắn giữa cuộc sống với nhiều thứ tiện nghi, với những nhà hàng sang trọng bốn năm sao… Từ những gánh khoai sắn, đậu phộng, mẹt bánh cam, bánh bò dăm chục hoặc trăm ngàn đồng vốn đến gánh bún riêu, bánh canh, cháo lòng, bún vịt, mì giò…năm bảy trăm ngàn. Với chiếc xe ba gác đẩy, xe đạp hay chiếc quang gánh trên vai, họ cứ theo chân những con người và cuộc sống đi sâu vào mảnh đất màu mỡ nhưng đầy bất trắc.
Người ta thường bảo “đất lành chim đậu”. Sài Gòn – TP HCM vốn là mảnh đất lành nên người tứ phương nhập cư về ngày một nhiều.
Trong những nghề mà họ chọn lựa để tồn tại, có nghề bán hàng rong. Những món ăn dân dã từ những người lao động mang đến cho mọi người màu sắc vừa bình dị vừa thân quen. Nó trở thành một phần của cuộc sống của Sài Gòn hôm qua và hôm nay. Một cô bạn của tôi sau khi làm một vòng “chu du tận bên trời Tây” quay về, trông sắc diện gầy sộp đi trông thấy.Hỏi sao nơi xứ lạ quê người đầy những món ngon vật lạ như vậy mà không nếm thử cho biết để cho ốm tong teo thế kia?
Cô nàng buồn hiu thú thật là mình gầy đi nhiều vì ở bên đó không thấy có những gánh hàng rong! Chuyện cứ như đùa, nhưng sự thật là để có món ăn vừa miệng ở nước ngoài là không phải dễ! Đụng đâu cũng toàn thức ăn ngọt và béo, nào là hot-dog, hambuger, pho-mát, chocolate, fat foods Mc Donald, gà rán Kentucky, bơ sữa…
Phở cũng không đúng khẩu vị, bún lại càng tệ hơn vì làm toàn bằng bún khô. Mấy tháng ở xứ người, cô bạn tôi cứ thòm thèm một tô bún riêu cua mà không tìm đâu ra.Chả bù cho ở xứ Việt mình, cứ ngồi trong nhà từ sáng cho đến chiều, chỉ việc ngồi đếm không biết bao nhiêu gánh hàng rong đi qua, chỉ cần “ới” một tiếng là có.
Không chỉ trong những xóm dân cư hay người lao động, hàng rong vẫn “hiên ngang” có mặt ngay những con đường trung tâm, giữa tấp nập xe cộ qua lại hay ngay những con đường bên hông chợ Bến Thành, chợ An Đông, chợ Bình Tây…bên những rạp hát và sát bên những siêu thị, khu đô thị sầm uất nhất. Nơi nào có chỗ để đặt gánh là họ ngồi. Bị đuổi thì lại đứng lên …
Vào những dịp lễ lạt, để “làm sạch” quang cảnh thành phố, cơ quan chức năng lại đi “bố ráp” hàng rong. Cứ thế, như một pha mèo chuột vờn nhau. Nhỡ có bị tóm được thì a-lê-hấp cứ ca bài ca, nước mắt ngắn nước mắt dài năn nỉ… sau cùng thì cũng đâu lại vào đấy…
Nguyễn Sinh
Related posts:
- Cao su Mang Yang: 250 thiếu nhi tham gia đêm hội trăng rằm
- Tiếng hát từ "Miền Đông Gian Lao Mà Anh Dũng”
- Khai trương King Coffee đầu tiên Việt Nam tại Gia Lai
- Chi hội Nhà báo các Báo thường trú tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình thiện nguyện “Gắn kết trái tim ...
- 100 em tham gia trại hè ngành cao su tại Sapa
- Chuyện làm dân vận ở Nông trường K’dang
- Độc đáo “Lễ cúng mừng lúa mới” của người Bahnar ở huyện Đăk Đoa – Gia Lai
- Cách chống dịch Covid - 19 độc đáo của người Giẻ Triêng
- "Thể thao giúp tôi có thêm sức khỏe để hoàn thành tốt công tác chuyên môn"
- Gặp công nhân cao su là bố mẹ tuyển thủ quốc gia Lương Duy Cương