Người trồng cao su nỗ lực giữ vườn cây

CSVNO – Trong khi ở nhiều nơi, người dân trồng cao su tiểu điền đã quyết định đốn vườn cây để chuyển sang các loại cây nông nghiệp ngắn ngày khác hoặc bỏ không khai thác với lý do doanh thu mủ không đủ bù chi phí nhân công thì người trồng cao su ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vẫn ngày ngày cần mẫn, nhẫn nại chăm sóc vườn cây của mình.
Người dân khai thác cao su.
Người dân khai thác cao su.

Toàn xã A Dơi hiện có khoảng 450 ha cao su, tính cả diện tích vườn cây cũ và trồng mới. Các thôn vùng kinh tế mới như Phong Hải, Tân Hải, Trung Phước và Hợp Thành chiếm khoảng 70% diện tích cao su toàn xã, 6 thôn còn lại của đồng bào dân tộc sở hữu khoảng 30% . Riêng thôn Tân Hải có 45 hộ dân thì mỗi hộ bình quân có 3ha cao su.

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Dũng có 4 ha cao su đang cho thu hoạch. Dù giá mủ cao su đang ở mức thấp, ông vẫn động viên các con tập trung chăm sóc, tỉa cành, làm cỏ, bón phân để vườn cây phát triển tốt. Ông cho biết, mấy năm trở lại đây, thu nhập từ cao su quá thấp nên gia đình chọn trồng xen canh cây sắn trong các lô cao su với chủ trương “lấy ngắn nuôi dài” chờ thời cơ giá cao su tăng trở lại. Và thu nhập từ trồng sắn cũng phụ giúp đáng kể cho gia đình ông. Lựa chọn trồng sắn, ngô xen canh với cao su để có thêm nguồn thu nhập cũng chính là cách làm của hầu hết bà con trồng cao su tiểu điền ở xã A Dơi.

Ông Lê Văn Thao, ở thôn Tân Hải cho biết: “Giá mủ cao su năm nay cũng chỉ dao động từ 5.000 – 7.000 đồng /kg, thấp hơn 3- 4 lần so với những năm trước nhưng gia đình tôi vẫn cố gắng duy trì vườn cây, tích cực chăm sóc với mong muốn năm tới cao su tăng giá để bù lại chi phí và để người trồng cao su yên tâm tiếp tục đầu tư cho loại cây này”.

Điều đáng nói là trong khi người trồng cao su một số xã như A Xing, xã Thanh… người dân đã không còn mặn mà đầu tư vào cao su thì tại A Dơi trong hai năm vừa qua bà con vẫn triển khai việc trồng mới cao su, mỗi năm hơn 20 ha. Ông Hồ Xa Cách, Chủ tịch UBND xã A Dơi cho biết: “ Để động viên bà con nông dân trồng cao su, thời gian vừa qua, xã cũng chỉ đạo về các thôn tuyên truyền bà con không bỏ bê, thường xuyên chăm sóc vườn cây đúng quy trình, kỹ thuật. Nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng phải tăng cường bảo vệ, làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, đồng thời xen canh các loại cây khác trong diện tích cao su trồng mới”.

Để giúp người dân duy trì vườn cây hiệu quả, cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan chuyên môn trong việc hướng dẫn, khuyến cáo bà con có thể giảm đầu tư phân bón hoặc bón phân một lần vào mùa mưa, thường xuyên thăm vườn để phát hiện và xử lý kịp thời sâu bệnh có hại đối với cây trồng. Khuyến cáo bà con đối với cây ở thời kỳ kinh doanh nên chuyển chế độ cạo từ D2 sang D3, tức là từ 2 ngày cạo 1 lần chuyển sang 3 ngày cạo một lần thì mỗi tháng 5 ngày công lao động đã được tiết giảm, qua đó vừa giảm sản lượng mủ khai thác vừa giữ cây phát triển chờ giá mủ tăng.

Toàn huyện Hướng Hóa hiện có khoảng 1.200 ha cao su. Theo Đề án phát triển cây cao su giai đoạn 2014- 2020 và tầm nhìn đến 2025 đã được UBND huyện Hướng Hóa thông qua, huyện phấn đấu phát triển diện tích cây cao su lên 1.800 ha vào năm 2020, đến năm 2025 sẽ duy trì ở mức ổn định là 2.800 ha. Trong đó địa bàn chủ yếu thực hiện đề án này là toàn bộ 7 xã vùng Lìa và các xã: Húc, Hướng Phùng, Tân Long. Như vậy, để người dân yên tâm đầu tư vào cây cao su, nhất là trong tình hình giá mủ cao su bấp bênh như vài năm trở lại đây, ngoài chính sách hỗ trợ nguồn vốn, kỹ thuật thì công tác tuyên truyền vận động người dân cần phải được thực hiện thường xuyên và lâu dài.

theo Thanh Trúc (Báo Quảng Trị)