CSVN – Ông Trần Khắc Chung – Trưởng Ban Lao động Tiền lương VRG, chia sẻ với PV Tạp chí Cao su VN xung quanh các vấn đề về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập năm 2015 và đánh giá tác động việc áp dụng thang, bảng lương từ 2016.
– Thưa ông, tiền lương, thu nhập của người lao động ngành cao su năm 2015 ra sao?
Ông Trần Khắc Chung: Tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn gặp không ít khó khăn trong những năm gần đây do giá bán mủ cao su liên tục giảm. Năm 2011 giá bán bình quân là 92 triệu đồng/tấn; năm 2012 giá giảm xuống còn 62,7 triệu đồng/tấn (bằng 68,15% so với năm 2011); năm 2013 giá bán bình quân là 51,7 triệu đồng/tấn (giảm 17,54% so với năm 2012 và giảm 43,8% so với năm 2011). Năm 2014, giá bán cao su bình quân đạt 36,89 triệu đồng/tấn (giảm 28,63 % so với năm 2013 và giảm 59,89% so với năm 2011).
Năm 2015, tình hình giá bán cao su tiếp tục giảm, giá bán cao su bình quân năm 2015 đạt 31 triệu đồng/ tấn (giảm 16,9% so với năm 2014). Tổng số lao động có mặt đến 31/12/2015 của 50 đơn vị cao su và 15 đơn vị công nghiệp, dịch vụ, thủy điện là 99.589 người; giảm 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái (số tuyệt đối giảm 22.124 người). Lao động bình quân năm 2015 là 92.552 người, giảm 20.034 người tương ứng giảm 17,8%. Lao động năm 2015 giảm mạnh là do các nguyên nhân sau: sự cạnh tranh lao động của các khu công nghiệp tại nơi đơn vị đóng chân.
Do giá mủ cao su giảm đã ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động (chủ yếu là công nhân khai thác mủ trực tiếp) nên một bộ phận người lao động tại các đơn vị sản xuất kinh doanh cao su đã xin nghỉ việc dẫn đến số lao động giảm mạnh so với cùng kỳ. Các đơn vị đã chủ động sắp xếp lại lao động, chuyển chế độ cạo sang cạo D4 nên cũng làm số lao động giảm.
Do tình hình giá mủ cao su giảm đã ảnh hưởng đến tiền lương và thu nhập của người lao động. So với cùng kỳ năm 2014, tiền lương bình quân thực hiện năm 2015 giảm 3,36% (số tuyệt đối giảm 167.033 đồng/ người/tháng) và thu nhập bình quân giảm 313.098 đồng/người/tháng, bằng 5,59% thu nhập bình quân thực hiện năm 2014. Thu nhập bình quân khối cao su là 5,24 triệu đồng/người/tháng; khối dịch vụ, công nghiệp, thủy điện là 7,4 triệu đồng/ người/tháng.
– Năm 2016 là năm các doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện nhiều chính sách về lao động, tiền lương, BHXH… do Nhà nước ban hành. Việc này ảnh hưởng đến áp dụng thang, bảng lương năm 2016 ở các đơn vị thành viên VRG như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Khắc Chung: Năm 2016 có nhiều sự thay đổi về tiền lương, BHXH… cho người lao động. Về mức lương cơ bản phải thực hiện theo mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định thay cho mức lương cơ sở trước đây. Về BHXH: Thực hiện theo Luật bảo hiểm xã hội 2014 thay thế Luật bảo hiểm xã hội 2006, dẫn đến chi phí tăng thêm cho doanh nghiệp. Tiền lương dùng để đóng các chế độ do Nhà nước quy định là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và các khoản phụ cấp.
Về hệ thống thang bảng lương từ 1/1/2016 doanh nghiệp phải tự xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương và chuyển xếp lương đối với người lao động trong công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH và Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về tiền lương.
VRG đã triển khai xây dựng hệ thống thang, bảng lương, phụ cấp lương tại Công ty mẹ Tập đoàn và các đơn vị thành viên theo hướng dẫn Khoản 3, Điều 18 Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/4/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để xây dựng hệ thống thang, bảng lương mới tạm thời trên cơ sở quy đổi theo hệ số cấp bậc công việc của hệ thống thang, bảng lương của Nghị định 205/2004/NĐ-CP sang Nghị định 49/2013/NĐ-CP, hướng dẫn các đơn vị thành viên xây dựng và ban hành tạm thời thang, bảng lương và tiến hành chuyển xếp lương để áp dụng theo đúng quy định từ ngày 1/1/2016.
Các đơn vị thành viên do Tập đoàn chi phối vốn đóng chân trên nhiều vùng khác nhau (Vùng: 20 đơn vị, Vùng 2: 6 đơn vị, Vùng 3: 9 đơn vị và Vùng 4: 22 đơn vị), đặc biệt trong đó có một số đơn vị đóng chân trên 3 vùng miền nên cũng gặp không ít khó khăn trong việc xây dựng hệ thống thang, bảng lương mới. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và hỗ trợ của lãnh đạo các cấp, đến nay công việc đã thực hiện như sau: Công ty mẹ Tập đoàn đã được Bộ NN&PTNT, Bộ LĐTB&XH cho ý kiến thống nhất về hệ thống thang bảng lương, phụ cấp lương do Tập đoàn xây dựng.
[stextbox id=”stb_style_259398″]Những tác động của việc áp dụng hệ thống thang bảng lương mới và các quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:
Tại Công ty Mẹ Tập đoàn Quỹ lương đóng BHXH: Năm 2016 Quỹ lương cơ bản tăng thêm: 8.575.110.000 đồng. Chi phí đóng BHXH tăng lên/1 năm là 2,05 tỷ đồng, tăng 174% so năm 2015.
Các đơn vị thành viên Tập đoàn: Năm 2016 Quỹ lương cơ bản tăng thêm: 689.330.681.447 đồng. Chi phí đóng BHXH tăng thêm 165,4 tỷ đồng/năm, tăng 126% so năm 2015. Chi phí đóng BHXH tính trên tấn sản phẩm cao su tiêu thụ bình quân tăng thêm 597.700 đồng/tấn.
[/stextbox]Các đơn vị thành viên: HĐTV VRG đã cho ý kiến đóng góp về hệ thống thang, bảng lương mới và phụ cấp lương cho các đơn vị Bình Long, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Kon Tum, Krông Búk, Quảng Trị, Tân Biên, Mang Yang, Ea H’leo, Chư Sê, Hương Khê – Hà Tĩnh, Đồng Nai, Dầu Tiếng, Chư Prông, Bà Rịa, Phú Riềng, Tây Ninh, Phước Hòa, Sa Thầy, Dầu Tiếng Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, KCN Hố Nai, Lộc Ninh, Quảng Ngãi; Quảng Nam… Các công ty còn lại (chủ yếu miền núi phía Bắc) đang hoàn thiện hồ sơ sẽ trình ký ban hành trong quý I/2016.
Do giá bán cao su năm 2016 dự kiến vẫn ở mức thấp (bình quân 26 triệu đồng/tấn), khả năng chịu đựng chi phí tiền lương trong giá thành tiêu thụ cao su thấp, cộng thêm chi phí đóng BHXH tăng thêm dẫn đến doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn như sau: Khu vực sản xuất kinh doanh cao su tăng chi phí giá thành dẫn đến lợi nhuận kinh doanh cao su của đa số các công ty cao su không có lợi nhuận, một số công ty ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung có khả năng bị lỗ.
Khu vực đầu tư XDCB tăng dự toán suất đầu tư, giảm hiệu quả đầu tư khu vực XDCB (các đơn vị đang trong giai đoạn đầu tư XDCB rất khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng tiếp tục đầu tư, thanh toán tiền lương cho người lao động).
Trong giai đoạn hiện nay và dự kiến đến năm 2020, giá bán mủ cao su bình quân ở mức 1.300-1.500 USD/ tấn (khoảng 26-30 triệu đồng/tấn), khi thực hiện cùng lúc hệ thống thang bảng lương mới theo quy định Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, các đơn vị thành viên Tập đoàn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tiền lương bình quân năm 2016 trên của các đơn vị chủ yếu tính theo mức lương cơ bản, bình quân khoảng 4,7 triệu đồng (không thể giảm).
Vì vậy, để duy trì sản xuất, bên cạnh các giải pháp đã thực hiện về lĩnh vực lao động, tiền lương các đơn vị cần phải có một số giải pháp sau: Tăng NSLĐ (chuyển chế độ cạo D3 sang D4, D5, D6) để nâng cao thu nhập cho người lao động. Khu vực kinh doanh tiết giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành tiêu thụ cao su, các đơn vị đang trong thời kỳ KTCB tiếp tục rà soát, giảm suất đầu tư hợp lý. Cụ thể cắt giảm bớt chi phí BHLĐ không cần thiết, hạn chế chi phí tập huấn và đào tạo…
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Cẩm (thực hiện)
Related posts:
- Cao su Tân Biên thu nhập bình quân 9,8 triệu đồng/người tháng
- Khối thi đua Tây Nguyên: Gần 40 giải pháp, sáng kiến được áp dụng hiệu quả
- Khối Khu Công nghiệp đóng góp lớn vào kết quả sản xuất kinh doanh của VRG
- Cao su Phước Hòa trả cổ tức 23%/mệnh giá
- Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Công ty TNHH Cao su Việt-Lào
- VRG đã quyết liệt thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp
- Thắt chặt tình đoàn kết giữa hai ngành truyền thống
- Phước Hòa Kampong Thom quản lý tốt công tác khai thác
- Báo chí luôn đồng hành với ngành cao su
- Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá 2 CTCS