Ngày 14/3 khánh thành Nhà máy Gỗ MDF VRG Kiên Giang

CSVNO – Ban Quản lý Dự án Nhà máy Chế biến Gỗ MDF VRG Kiên Giang cho hay, vào ngày 14/3, tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) sẽ tổ chức lễ khánh thành nhà máy chế biến gỗ MDF công suất 75.000 m3/năm, theo công nghệ tiên tiến của CHLB Đức.
Toàn cảnh Nhà máy Chế biến Gỗ MDF VRG Kiên Giang tại KCN Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: CTV
Toàn cảnh Nhà máy Chế biến Gỗ MDF VRG Kiên Giang tại KCN Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: CTV

Sau gần 2 năm khởi công xây dựng (7/2/2014), đến nay Nhà máy đã hoàn thành xây lắp, chạy thử và dự kiến đưa vào vận hành thương mại vào tháng 5/2016.

Dự án Nhà máy Chế biến Gỗ MDF VRG Kiên Giang do VRG làm chủ đầu tư. Nhà máy hoạt động theo công nghệ ép liên tục – một công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức. Đây cũng là công nghệ đầu tiên trên thế giới sản xuất ván MDF từ nguyên liệu là gỗ tràm nước.

Dự án có diện tích đất 9 ha, tổng diện tích xây dựng 20.000 m², tổng khối lượng chế tạo lắp đặt 3.000 tấn, tổng mức đầu tư 1.360 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu VRG là 410 tỷ đồng. Sản phẩm chính của nhà máy là ván MDF, HDF, LDF, HMR; đạt tiêu chuẩn E0 – E2, CARB P2, JIS của Nhật; với độ dày từ 2,5mm đến 30 mm, kích thước 4’x8’, 4’x9’, 4’x10’, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của ngành chế biến gỗ.

Nhà máy trong giai đoạn lắp rắp thiết bị vào năm 2015. Ảnh: Vũ Phong
Nhà máy trong giai đoạn lắp rắp thiết bị vào năm 2015. Ảnh: Vũ Phong

Đại diện Ban Quản lý Dự án, cho biết việc đưa Nhà máy vào vận hành, sản xuất sẽ giúp tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho các hộ dân trong vùng dự án và góp phần thúc đẩy đầu tư, phát triển thương mại, kinh tế – xã hội của tỉnh Kiên Giang, đồng thời tạo bước phát triển mới cho ngành chế biến gỗ địa phương.

Khi đi vào hoạt động, Nhà máy Chế biến Gỗ MDF VRG Kiên Giang sẽ là nơi tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp từ các hộ dân trồng rừng với các cây trồng lấy gỗ như tràm Úc, keo lai, bạch đàn và các loại cây bản địa như cây bần, tràm nước và củi, gốc các loại với sản lượng ước tính 150.000 tấn/năm.

Bình Nguyên