CSVN – Theo dự báo, hiện tượng El Nino sẽ làm cho nắng nóng kéo dài và Tây Nguyên tiếp tục đương đầu với một năm hạn hán khốc liệt. Với thời tiết ngày nắng đêm lạnh, là điều kiện để phấn trắng phát triển mạnh, cộng thêm hiện tượng sương muối khiến lá cao su bị rụng trên diện rộng. Đây là tình trạng nan giải đối với các CTCS ở Tây Nguyên.
Nhận thấy tình hình phấn trắng có dấu hiệu phát tán nhanh và rộng, nhiều đơn vị đã tiến hành phun thuốc phòng trị ngày trong những ngày đầu năm 2016, tức trước Tết Nguyên đán Bính Thân. Ông Bùi Duy Đốc – Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, cho biết: “Tính đến ngày 26 Tết Âm lịch, chúng tôi đã cho tiến hành phun 2 đợt thuốc phòng trị phấn trắng ở những diện tích bắt đầu xuất hiện phấn trắng, với khoảng 2.500 ha trên tổng số gần 4.000 ha cao su khai thác. Hiện bộ lá cũng tương đối ổn định. Tuy nhiên vẫn chưa khỏi lo bởi thời tiết diễn biến khó lường”.
Tại Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, đơn vị nhiều năm là điển hình trong việc hạn chế bệnh phấn trắng, là lá cờ đầu trong phong trào hoàn thành vượt mức kế hoạch trước thời hạn nhiều năm liên tục trên địa bàn Tây Nguyên, nay cũng bắt đầu gặp khó vì tình trạng phấn trắng. Tại cuộc họp giao ban đầu năm Bính Thân, tức ngày 20/2, lãnh đạo 12 nông trường thuộc công ty đều cho biết toàn bộ diện tích cao su khai thác của đơn vị mình đều bị phấn trắng trong tình nặng rất nặng. Trước tình đó, lãnh đạo công ty quyết định chưa phun thuốc đợt một.
Lý giải về việc này, TGĐ Lê Khả Liễm cho hay: “Tình trạng phấn trắng năm nay hoàn toàn khác so với những năm trước. Các năm trước, khi nhiễm bệnh lá bị rụng hoàn toàn và đồng bộ, nhưng năm nay do thời tiết khác thường nên phấn trắng diễn biến nhanh, lá rụng không đồng đều và treo chưa rụng hết khiến cho việc phun thuốc sẽ không hiệu quả. Những lá bị treo lại này sẽ rụng khi mùa mưa đến. Đây thật sự là điều đáng lo ngại cho vườn cây khai thác”.
Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo, Chư Păh quyết tâm giữ được bộ lá bằng cách ra quân phun thuốc từ ngày 4 và 6 Tết. Theo cán bộ kỹ thuật của 2 đơn vị này, diện tích cao su được phun gần như hết diện tích, một số diện tích đã phun đến đợt thứ 2 và tiếp tục theo dõi diễn biến của bệnh, có thể sẽ tiến hành phun đợt 3 nếu thời tiết tiếp tục ngày nắng đêm trở lạnh như hiện nay.
Một trong những khó khăn của việc phòng chống bệnh phấn trắng trong mùa khô năm nay của các đơn vị không phải là thiếu hụt lực lượng, phương tiện và máy móc mà việc lá rụng không đều, dẫn đến lá mọc cũng không đồng đều.
Nếu phun thuốc khi lá nhiễm bệnh còn treo trên cây trong khi đó lá non bắt đầu ra sẽ không hiệu quả. Trước tình trạng đó, các công ty đã lên kế hoạch chi tiết cho công tác phun thuốc trị bệnh phấn trắng trong mùa khô 2016. Mọi nguồn lực đã được huy động để sẵn sàng khi có lệnh là tiến hành phun đồng loạt. Một số đơn vị tại Gia Lai đang tiến hành phun những diện tích đã bị nhiễm và quan sát kỹ diện tích chưa bị nhiễm; đồng thời theo dõi những diện tích đã phun xem có dấu hiệu bệnh tái diễn hay không.
Bài, ảnh: Văn Vĩnh
Related posts:
- Mưa lớn kéo dài, vườn cây rụng lá
- Cảnh báo bệnh nấm hồng trên vườn cao su
- Trồng cao su theo hàng kép
- Cây giống cao su Tây Nguyên "sốt" bất thường
- Nông nghiệp khô héo vì El Nino
- Nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây
- Chẩn đoán trực tuyến dịch hại trên cây cao su
- Cao su tiểu điền Malaysia chuyển sang trồng cọ dầu
- Nhiều tham luận có giá trị tại Hội nghị nông nghiệp Cao su Sa Thầy
- Linh hoạt mở miệng cạo, đảm bảo hiệu quả kinh tế kỹ thuật