CSVN – Đến với Myanmar thời điểm hiện tại là đến với sự cổ kính huyền diệu, một nét hoài cổ cho những ai hoài niệm hay muốn kể cho con cháu nghe về một thời đã qua với hình ảnh một Việt Nam của khoảng hai thập kỷ trước
Một đất nước trên đà phát triển
Những chiếc xe buýt với các anh lơ xe đứng ngay bậc lên xuống để bắt khách, những người buôn thúng bán mẹt bày bán dưới đất chợ ẩm ướt, những dãy nhà cũ kỹ thời cấm vận. Thiếu thốn đủ thứ nhưng một Myanmar sẽ phát triển như Singapore một ngày không xa, khi mà người dân ở đất nước này với nền tảng tiếng Anh phổ thông tương đối tốt, ý thức cộng đồng cũng như tuân theo luật pháp rất cao, người dân rất quan tâm đến thời cuộc và có thể thấy các tầng lớp đọc báo khắp nơi từ góc phố vỉa hè, từ bà bán trái cây lớn tuổi đến ông bán trầu ở góc phố…
Việc đầu tiên khi đặt chân đến Myanmar là chỉnh đồng hồ sớm hơn 30 phút so với giờ Việt Nam. Kế tiếp là tắt chức năng Internet của điện thoại di động vì chỉ còn sử dụng đúng chức năng nghe gọi, bởi mạng ở đây rất chậm. Âu đây cũng là một điều hay, thay vì đi du lịch mà vẫn cắm cúi với thế giới ảo, trong khi biết bao điều lý thú về những con người Myanmar hiếu khách và sùng đạo, sống bình yên chan hòa, nhẹ nhàng không vội vã.
Cuộc sống ở đây thật chậm, hầu như không thấy tiếng ồn ào cãi vã hay tiếng còi xe, cũng chẳng thấy bóng dáng cảnh sát giao thông và tuyệt nhiên là không hề có một Chiếc xe gắn máy ở thành phố Yangon. Dòng xe hơi có thể ùn nhưng không tắc hay kẹt đường, người dân luôn ý thức cao tuân thủ luật lệ. Các cây xăng rất hiếm vì xe chạy bằng khí gas.
Truyền thống Phật giáo nguyên sơ
Cái hấp dẫn nhất của đất nước này là truyền thống Phật giáo nguyên sơ, họ sống an lành một cách thụ động, cuộc sống ở đây vây quanh chùa chiền và văn hóa Phật giáo. Cưới hỏi, sinh con, sự kiện lớn nhỏ…. đều đến chùa. Sinh nhật không tính bằng ngày sinh mà được tính bằng các thứ trong tuần, những người sinh ra vào các ngày trong tuần đều có một vị thần đại diện cho bổn mạng của mình trong chùa. Mỗi buổi sáng ta sẽ gặp rất nhiều nhà sư đi khất thực trên đường. Theo dòng Phật giáo tiểu thừa và giáo phái Nam tông thì họ chỉ ăn những gì nhận được từ cúng dường và bố thí của Phật tử trên đường khất thực hằng ngày. Tuyệt nhiên phụ nữ không được bắt tay hai chạm vào người các vị sư.
Đến chùa vàng Shwedagon, nơi tôn nghiêm và tâm linh nhất của họ, tương truyền ngôi chùa này đã 2500 năm tuổi, được ra đời trước khi đức Phật Thích Ca nhập diệt để thấy sự bề thế và uy nghi lộng lẫy. Và sẽ đẹp vi diệu hơn khi hoàng hôn, đến đây mọi người bất kể ai cũng đều phải đi chân đất để vào chùa (tất cả các chùa khác ở Myanmar đều như vậy) như nhắc nhở chúng ta rằng mọi người đều bình đẳng như nhau khi vào chùa cũng như khi đến với Phật giáo. Tại các góc phố, sẽ gặp các tiệm bán trầu cau và thuốc lá tự quấn như người ta bán cơm tấm ở Việt Nam.
Cũng đừng ngạc nhiên khi thấy đàn ông miệng đỏ lòm nhai trầu chóp chép và mặc một chiếc váy dài khắp các nẻo đường. Và một đặc trưng rất Myanmar nữa là hầu như không người phụ nữ nào ở đây có…mụn, điều mà những cô gái ở các nước châu Á như chúng ta cực kỳ quan tâm. Lý do là các cô gái Myanmar thường xuyên sử dụng Thanaka – một loại mỹ phẩm thiên nhiên được người dân mài ra từ than cây gỗ. Nên một lần đến Myanmar để cảm nhận sự hiền hòa và thân thiện cũng như khám phá nét văn hóa hoang sơ nhưng phong phú đầy sắc màu và tín ngưỡng của đất nước này. Từ đó sẽ hiểu, nhìn và cảm nhận một Việt Nam của hơn hai thập kỷ trước.
Bài, ảnh: Tùng Châu
Related posts:
- “Tiếng hát Công nhân cao su 2015” Khu vực I - Sapa đã sẵn sàng
- Hình ảnh con trâu trong ca dao, tục ngữ
- Chị hàng thịt, luật pháp và lòng tốt
- Cao su Việt Lào tổ chức Hội thi nấu ăn chào mừng 20/10
- Ai là tác giả cuốn sách “Phú Riềng Đỏ”?
- Vẫn hát lời tình yêu
- Binh đoàn 15 khai mạc Hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi
- Lên Tây Bắc ăn măng rừng nướng
- Đa chiều cuộc sống của những người làm báo
- Kết quả Cuộc thi viết 85 năm