CSVN – Theo ông Nguyễn Tấn Hưng – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, việc phát triển cao su không chỉ mang lại công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, mà còn góp phần đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm… trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Phước.
Vùng đất chuyển mình từ cây cao su
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Hưng chia sẻ “Tôi là người rất gần gũi với ngành cao su! Từ nhỏ đến lớn, rồi tham gia cách mạng đều ở mảnh đất Bình Long này, 47 năm hoạt động và làm việc tại Bình Long và 19 năm công tác ở tỉnh Bình Phước với nhiều chức danh chủ chốt khác nhau nên tình cảm của tôi với ngành cao su rất mặn mà. Trong quá trình hoạt động, ngoài thuận lợi không thể tránh khỏi những khó khăn.
Riêng về cây cao su, tính đến nay, toàn tỉnh chúng tôi có trên 250.000 ha, trong đó cao su quốc doanh là 70.000 ha. Với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) hiện nay có ở Bình Phước 4 đơn vị thành viên gồm Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long, Lộc Ninh, Phú Riềng và Công ty CPCS Đồng Phú. 4 đơn vị này chúng tôi rất coi trọng vì đã làm tốt công tác định hướng về cơ cấu cây trồng, đồng thời là điểm tựa cho cao su tiểu điền phát triển”.
Ông Nguyễn Tấn Hưng khẳng định thêm, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, các công ty cao su trực thuộc VRG đóng chân trên địa bàn không những đoàn kết mà còn gắn bó rất mật thiết với địa phương. Cụ thể như, trong công tác cán bộ, khi mới giải phóng hầu hết lãnh đạo của công ty cao su đều từng làm ở huyện chuyển qua như ông Năm Sao, ông Năm Xước (Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long); rồi mới đây, lãnh đạo công ty cao su như bà Trần Tuệ Hiền (Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng) được điều động về tỉnh làm việc nên tình cảm gắn bó giữa huyện với công ty, giữa nông trường với xã ngày càng mật thiết.
“Đặc biệt, hiện nay Đảng bộ tỉnh Bình Phước và Đảng bộ VRG đã ký quy chế phối hợp toàn diện. Điều này càng thể hiện sự gắn bó giữa tỉnh với VRG trong quá trình đào tạo cũng như quy hoạch cán bộ giữa 2 đơn vị.”, ông Hưng nhấn mạnh.
“Những gì mà VRG đóng góp cho tỉnh, đến nay tôi có thể khẳng định, trên địa bàn tỉnh Bình Phước chưa có ngành nào có thể sánh được! Có ai biết rằng, con đường Bình Long tới trung tâm thị xã bây giờ trong lúc huyện rất khó khăn cao su đã đứng ra hỗ trợ một nửa để đầu tư xây dựng. Hay các con đường lớn từ Minh Hưng đi Minh Thạnh, đường từ ngã ba Xa Cát tới Tống Lê Chân… cũng là cao su đầu tư một nửa. Khi đầu tư đường xong các đơn vị còn phối hợp với tỉnh đầu tư cả lưới điện, trường học, và cả các trạm y tế. Với sự hỗ trợ đó, bộ mặt của địa phương mới được khởi sắc như ngày hôm nay”, ông nói.
Không chỉ thế, các công ty cao su trực thuộc VRG còn được nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tấn Hưng đánh giá cao trong công tác an sinh xã hội: “Trong các hoạt động xã hội, tôi cho rằng chủ trương của tỉnh trong việc xây dựng 4.000 căn nhà tình thương, tình nghĩa trước đây, và hiện nay là 4.000 ha cao su làm quỹ an sinh xã hội là việc làm để đời của lãnh đạo tỉnh Bình Phước cũng như lãnh đạo ngành cao su”.
Ngành cao su sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách
Đánh giá nỗ lực vượt khó của ngành cao su trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Tấn Hưng phân tích: Tỉnh Bình Phước có trên 250.000 ha cao su, trong đó cao su của Nhà nước chỉ có 70.000 ha, còn lại là tư nhân. Với giá giảm sâu như thời điểm này nếu không có các đơn vị chủ lực như Bình Long, Phú Riềng, Lộc Ninh và Đồng Phú thì người dân sẽ rất hoang mang. Các đơn vị này không chỉ lo cho cao su của Nhà nước mà còn lo cho cao su của tư nhân bằng các chủ trương thu mua góp phần ổn định đầu ra của cao su tiểu điền.
“Tôi tin rằng, với sự đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, ngành cao su sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Hơn nữa, hiện nay tỉnh Bình Phước đang trên đà phát triển các khu công nghiệp, chính vì vậy VRG cần đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp trọng điểm nhằm kêu gọi các nhà đầu tư, vì đây cũng là 1 trong những lĩnh vực hoạt động chính của Tập đoàn. Nếu làm tốt việc này, không những tỉnh Bình Phước tiến nhanh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà VRG cũng thành công trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất”.
Ng. Cường
Related posts:
- Con dao cạo "Mã Lai"
- Bàn tay vàng Nguyễn Hữu Thành: “Có công mài sắt có ngày nên kim ”
- Khi lao động chủ động đến "đầu quân"
- Kỷ niệm không quên của người bảo vệ
- Khó mấy cũng không rời cao su
- Phạm Thị Luyến - Không ngừng rèn luyện để trưởng thành
- Mô hình khoán vẫn phát huy giá trị
- Thợ giỏi 5 lần nhận bằng khen Tập đoàn
- Hãy giữ niềm tin với cây cao su
- "Mô hình trồng hàng kép cần phải thể chế hóa bằng quy trình kỹ thuật"