CSVNO – Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý miễn tiền thuê đất đối với diện tích trồng cây cao su tái canh trong thời gian kiến thiết cơ bản (KTCB) từ năm 2015 đến năm 2020 và giao Bộ Tài chính hướng dẫn địa phương thực hiện việc miễn tiền thuê đất nêu trên theo quy định; Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thực hiện.
Được biết trước đó, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) đã có kiến nghị đến Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính về việc xem xét miễn tiền thuê đất vườn cao su tái canh trong thời gian KTCB.
Theo VRA, để thích ứng lâu dài với những khó khăn hiện nay của ngành cao su khi cung vượt cầu, giá cao su giảm thấp và chưa có dấu hiệu phục hồi trước năm 2020, Hiệp hội đã đưa ra một số giải pháp như đề nghị rà soát quy hoạch để định hướng quy mô phát triển phù hợp, sử dụng giống mới năng suất cao và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm nhịp độ cạo, trồng xen để đa dạng hóa thu nhập, nâng cao chất lượng cao su, xây dựng thương hiệu ngành, giảm suất đầu tư để hạ giá thành sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đang tìm cách chống chịu trước tình hình khó khăn của thị trường thế giới, thì từ ngày 1/7/2014 đến nay, phát sinh thêm một gánh nặng làm tăng chi phí, giá thành do thay đổi về chính sách: từ ngày 01/7/2014, theo quy định mới tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 46/2014/NĐ-CP, thời gian KTCB của vườn cao su tái canh không được miễn tiền thuê đất; trong khi đó, trước ngày 1/7/2014, vườn cao su trồng mới và tái canh đều được miễn tiền thuê đất trong thời gian KTCB (Nghị định 142/2005/NĐ-CP, Thông tư 141/2007/TT-BTC).
Trong khi đó, từ năm 2015 trở đi, ngành cao su hạn chế trồng mới, chủ yếu là thực hiện tái canh diện tích cao su đã hết chu kỳ khai thác, khoảng 20.000-30.000 ha/năm, trong đó phải đầu tư nguồn vốn cho phục hoang, trồng lại, chăm sóc từ 6 đến 8 năm. Trong thời gian này, vườn cao su tái canh chưa có sản phẩm nên chưa có doanh thu, lợi nhuận, do vậy, gây khó khăn cho việc nộp tiền thuê đất trồng cao su, mặt khác làm tăng chi phí đầu tư, tăng giá thành và khiến người trồng có xu hướng chuyển đổi sang cây trồng khác.
Từ thực trạng đó, nhận thấy kiến nghị của VRA về việc miễn tiền thuê đất vườn cao su tái canh trong thời gian KTCB là cần thiết, Bộ NN&PTNT đã đồng tình với VRA và đã gửi công văn số 5579/BNN-TT ngày 13/7/2015, đề xuất Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ miễn tiền thuê đất vườn cao su tái canh trong thời gian KTCB nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho ngành cao su tiếp tục phát triển. Trên cơ sở đó, ngày 12/01/2016, Bộ Tài chính đã trình công văn số 513/BTC-QLCS đến Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quy định tại khoản 10 Điều 19, Nghị định 46/2014/NĐ-CP.
T.S (Theo chinhphu.vn)
Related posts:
- Công đoàn Cụm Tây Nguyên bàn giao 15 căn nhà trong 6 tháng đầu năm
- Ngày 2 - 6/11 diễn ra Hội nghị Cao su Quốc tế IRRDB 2015
- Cao su Đồng Nai thi kiểm tra nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ
- Nâng cao nhận thức về tính hợp pháp của gỗ cho ngành cao su
- Bắc Đồng Phú tiếp tục mở rộng diện tích 2 khu công nghiệp
- VRG viếng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng
- Cao su Kon Tum quyết tâm xây dựng đơn vị Anh hùng Lao động
- Đảng bộ VRG thực hiện tốt đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
- Nam Tân Uyên dẫn đầu các khu công nghiệp của VRG
- Thu nhập Cao su Phú Riềng trên 9 triệu đồng/người/tháng