“Mở miệng cạo cây cao su là sự kiện có ý nghĩa lớn đối với đồng bào Tây Bắc”

CSVN Xuân – Năm 2015, VRG đã chỉ đạo các CTCS miền núi phía Bắc tập trung củng cố, nâng cao chất lượng vườn cây; tiết giảm suất đầu tư; không chủ trương mở rộng diện tích trồng mới. PV Tạp chí Cao su VN đã có cuộc trao đổi với Phó TGĐ VRG Hứa Ngọc Hiệp liên quan đến các vấn đề này:
Phó TGĐ VRG Hứa Ngọc Hiệp (thứ 3 từ trái sang) tại vườn cây trồng mới Công ty CPCS Lai Châu II. Ảnh: Đinh Tùng Phương
Phó TGĐ VRG Hứa Ngọc Hiệp (thứ 3 từ trái sang) tại vườn cây trồng mới Công ty CPCS Lai Châu II. Ảnh: Đinh Tùng Phương

Xin ông cho biết kết quả sau 8 năm VRG triển khai đầu tư trồng cao su tại miền núi phía Bắc?

Ông Hứa Ngọc Hiệp: Sau 8 năm VRG triển khai trồng cao su tại miền núi phía Bắc, đến nay đã trồng được 29.000 ha, với số vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng. Khi thực hiện dự án tại khu vực ngoài truyền thống trồng cao su, VRG không đặt mục tiêu lợi nhuận lên đầu mà mong muốn tri ân những công lao đóng góp của thế hệ cán bộ đã đóng góp cho cách mạng và chung tay cùng với địa phương, cùng với Chính phủ chăm lo đời sống của đồng bào miền núi phía Bắc. Đồng hành với sự phát triển cao su là việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần thay màu áo mới, màu áo của sự no ấm nơi vùng cao, nơi mà bà con có thu nhập hàng tháng để trang trải sinh hoạt và rút ngắn khoảng cách đến với con chữ của con em.

Kiểm tra vườn cây chuẩn bị đưa vào khai thác tại Công ty  CPCS Lai Châu.
Kiểm tra vườn cây chuẩn bị đưa vào khai thác tại Công ty CPCS Lai Châu.

Quả thật, trong tâm tưởng của bà con vùng cao thì cây cao su là một loại cây hoàn toàn xa lạ, mới mẻ. Trước đây, họ quen với cuộc sống trồng ngô, cây hoa màu để sinh sống qua ngày thì nay tập tục đó đã ít nhiều thay đổi nhờ cao su. Từ xa lạ trở thành quen thuộc và gắn bó, đồng bào đã từng bước tiếp cận và làm quen với việc trồng và chăm sóc cao su. Hàng tháng, bà con có thu nhập ổn định, sau này khi đưa vào khai thác thì bà con sẽ có thêm nguồn thu từ chia sản phẩm.

Khi đó, VRG sẽ đóng vai trò bà đỡ, hỗ trợ đồng bào về cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác, tiêu thụ sản phẩm. Là vùng ngoài truyền thống với đặc thù địa hình và tiểu vùng khí hậu, dự án phát triển cao su tại khu vực này gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người còn hoài nghi khi VRG triển khai nhưng được sự ủng hộ của Chính phủ, của lãnh đạo các cấp Bộ, ngành TW, địa phương thì cây cao su đã định hình, gắn bó với đồng bào.

Hiện nay, tốc độ phủ xanh đất trống đồi trọc của cây cao su ở miền núi phía Bắc rất nhanh. Về phía lãnh đạo các địa phương có cao su của VRG đứng chân rất ủng hộ chủ trương của VRG, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty triển khai dự án, đặc biệt tại Hà Giang và Yên Bái. Lãnh đạo địa phương khẳng định chỉ có cao su mới giúp được đồng bào thoát nghèo, và rất mong muốn VRG tiếp tục mở rộng diện tích phát triển.

 – Chủ trương, kế hoạch của VRG đối với dự án tại miền núi phía Bắc thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Ông Hứa Ngọc Hiệp: Năm 2016, sau một thời gian mong đợi của các Bộ, ngành và bà con nơi đây, VRG sẽ tổ chức mở miệng cạo tại các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Lai Châu. Đây là sự kiện quan trọng và có ý nghĩa của VRG và bà con miền núi phía Bắc. Sự kiện này sẽ là câu trả lời chính thức cho những hoài nghi về sự phát triển cao su nơi đây. VRG sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy chế biến mủ, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương .

[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Rà soát, phân loại đánh giá chất lượng vườn cây”]

Trong năm 2015, VRG đã thành lập Tổ thường trực của Ban chỉ đạo phát triển cao su của VRG tại các tỉnh miền núi phía Bắc, do Phó TGĐ Nguyễn Tiến Đức làm Tổ trưởng; hai Phó TGĐ Huỳnh Trung Trực và Hứa Ngọc Hiệp làm Tổ phó. Tổ có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kịp thời có các đề xuất xử lý vướng mắc của các CTCS trực thuộc VRG tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Trong năm 2015, Tổ đã thực hiện rà soát, đánh giá các hoạt động đầu tư, sản xuất của CTCS khu vực này, đặc biệt là về diện tích và chất lượng vườn cây. Đồng thời rà soát, kiện toàn bộ máy tổ chức, công tác nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Tổ còn có nhiệm vụ theo dõi và đề ra giải pháp phù hợp, tập trung việc bổ sung thủ tục để hoàn thiện pháp lý về đầu tư, đất đai để đẩy nhanh tiến độ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

[/stextbox]

Năm 2015, lãnh đạo VRG chủ trương tiết giảm, quản lý chặt suất đầu tư theo vùng miền. Đối với miền núi phía Bắc giảm xuống còn 115 triệu đồng/ ha. Việc tiết giảm suất đầu tư hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế. Bởi trong thời điểm giá giảm mà mức đầu tư vẫn giữ như thời giá bán hoàng kim thì không thể được. Thực hiện chủ trương đó, mỗi đơn vị có khó khăn riêng nhưng lãnh đạo các đơn vị miền núi phía Bắc đã chỉ đạo, quán triệt và thực hiện rất tốt, cắt giảm những gì không cần thiết.

Trong năm 2016, VRG sẽ tạm dừng trồng mới ở miền núi phía Bắc, tập trung nguồn lực để chăm sóc, nâng cao chất lượng vườn cây. Chủ trương này cũng được lãnh đạo VRG báo cáo với Bộ NN&PTNT. Đây là chủ trương hợp lý để VRG đánh giá lại hiệu quả, chất lượng, diện tích sau 8 năm triển khai trồng cao su tại khu vực này. Cây cao su đã định hình ở vùng miền núi phía Bắc như ngày hôm nay là nhờ sự quyết tâm của lãnh đạo VRG, của địa phương và công sức, tâm huyết của CBCNV – LĐ các đơn vị. Dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi rất kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của ngành cao su, khi giá mủ sẽ tốt lên thì đời sống của bà con sẽ thay đổi căn cơ hơn.

– Xin cảm ơn ông!  

Quỳnh Mai (thực hiện)